Thủ đoạn quen thuộc
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, thị trường hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất “nóng”.
Có thời điểm, các thương lái, doanh nghiệp tranh mua, tranh bán với giá cao hơn giá trị trường. Hậu quả là các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính không mua được hàng phải chịu thiệt hại lớn.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đăk Lak, ông Phạm Thái cũng nhận định, thời gian qua có nhiều thương lái người Trung Quốc đến Đắk Lắk mua hồ tiêu với giá 190.000 - 195.000 đồng/kg (trong giá thị trường chỉ khoảng 180.000 đồng/kg), sau đó xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Đây cũng là thủ đoạn quen thuộc của Trung Quốc nhằm lũng đoạn thị trường nông sản Việt Nam trong nhiều năm nay.
Thương lái Trung Quốc tung chiêu bài mua bán xoay vòng để trục lợi dựa trên sự thiếu tỉnh táo của người dân. Điều đó khiến không riêng gì giá hồ tiêu rối loạn mà còn làm rối thêm thị trường nông sản Việt Nam.
Ông Huỳnh Ngọc Dương nêu ví dụ: “Cách đây khoảng 3 tuần, họ mua sẵn 1 lô hàng khoảng 100 tấn với giá 175.000 - 180.000 đồng/kg.
Sau đó, họ đến đại lý A đặt mua 1 lô hàng khoảng vài chục tấn với giá 185.000 đồng/kg và chỉ đặt cọc một ít với yêu cầu “gom nhanh, lấy ngay”.
Tương tự, họ lại tới đại lý B đặt tiếp lô hàng khác với giá 190.000 đồng/kg. Khi đã đẩy giá hồ tiêu lên cao, họ không tới lấy hàng, chấp nhận mất tiền cọc và tung ra thị trường lô hàng giá thấp đã có”.
Một ví dụ khác và cũng khá gần đây là sự ế ẩm của dưa hấu Việt Nam. Đầu mùa, giá dưa hấu loại 1 đạt 10.000 – 11.000 đồng/kg, đến nay giảm xuống chỉ còn 7.000 đồng/kg.
Mỗi xe chở dưa hấu từ khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phải mất ít nhất 4-5 ngày mới được thông quan khiến nhiều trái dưa ủng và chảy nước.
Cảnh báo điều tương tự,ông Nguyễn Đào Chí, Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Lắk (Đoàn liên ngành 389) nói, khi lượng hồ tiêu thu gom với giá cao tập trung ra biên giới, nếu thương lái Trung Quốc lập lại “kịch bản” không mua thì chúng ta sẽ thiệt hại kinh tế và rối loạn thị trường trong nước.
Hình minh họa
Giải pháp nào cho tình trạng này
Theo quan sát thì nhiều thương lái Trung Quốc chỉ áp dụng hình thức lừa đảo này tại Việt Nam mà không xuất hiện ở nhiều nước khác.
Và đối tượng của Trung Quốc cũng chỉ tập trung vào nông dân ở những vùng hẻo lánh, mua những loại “hàng độc” đến mức vô lý.
Theo đó, cần có một nghiên cứu, khảo sát, báo cáo đầy đủ về các thủ đoạn, hành vi của thương lái Trung Quốc.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương cần có hướng dẫn cụ thể, đối với thương lái không có lai lịch, đăng ký khi mua cần phải báo cáo và phải ngăn chặn về mặt pháp luật hoặc thông báo đến nông dân, địa phương để có biện pháp phòng ngừa, cảnh giác.
Trong lần trả lời báo chí cuối năm ngoái, TS Lê Đăng Doanh cho rằng nguyên nhân một phần vì người dân hám lợi, thấy mua với giá cao ồ ạt đi trồng, thu mua, mong có thu nhập trước mắt, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm.
Theo đó, giải pháp quan trọng nhất là chính quyền phải nắm bắt được tình hình, khuyến cáo rõ ràng và cung cấp đầy đủ thông tin cho bà con nông dân biết được thủ đoạn của họ.
Đồng quan điểm GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho biết, ý đồ của Trung Quốc khi ồ ạt thu mua các loại nông sản của Việt Nam là muốn phá hoại kinh tế, và sự quản lý chưa chặt chẽ của chính quyền địa phương là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Theo TS Võ Tòng Xuân, chính quyền địa phương đáng ra phải tập hợp những thương lái này lại, làm hợp đồng mua bán, nếu kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh mới được kinh doanh.
TS Võ Tòng Xuân cũng chỉ ra điểm yếu kém của Việt Nam là không thâm nhập vào thị trường Trung Quốc để biết Trung Quốc đang cần gì hoặc mua các mặt hàng nông sản của mình để làm gì mà luôn trong thế thụ động để thỉnh thoảng Trung Quốc qua mua cái này cái kia, không biết mục đích mua để làm gì.