Trước đây, người dân ăn na xong vứt hạt, thì nay thu gom lại, đem rửa sạch, phơi khô, dồn lại chờ thương lái đến tận nhà mua, giá khoảng 100 nghìn đồng.
Theo người dân, tiểu thương thu gom về sẽ đóng vào bao tải, dùng xe ôtô chở sang Trung Quốc bán. “Nghe nói họ thu mua hạt về để ươm giống, đợi đến mùa xuân tới sẽ trồng cây” - một tiểu thương cho hay.
Ông Hoàng Văn Khai - Chủ tịch UBND xã Chi Lăng - cho biết, giống na này trồng ở Hoài Đức (Hà Nội) không cho chất lượng tốt, nhưng khi lên Chi Lăng, do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cho quả to, ăn ngọt, bùi, giá trị kinh tế cao. Tổng giá trị sau mỗi vụ thu hoạch trên toàn huyện vào khoảng 100 tỷ đồng.
Riêng xã Chi Lăng, khoảng 80% người dân trồng na. “Trước đây, Chi Lăng rất nghèo. Độ chục năm nay, cây na phát triển, được người tiêu dùng biết tới, ưa chuộng nên kinh tế phát triển theo. Nhiều gia đình thoát nghèo, có gia đình trở nên giàu có” - ông Khai nói.
Trước thông tin người Trung Quốc thu mua hạt na về ươm giống, người dân địa phương lo lắng sau vài năm nữa giống na Chi Lăng sẽ phải cạnh tranh với chính “người anh em” của mình khi lứa cây mới trồng cho thu hoạch.
Hiện chính quyền xã đang kiểm tra, vận động người dân không nên bán hạt na sang Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng trong tỉnh có biện pháp bảo vệ thương hiệu na Chi Lăng.