Thu phí nội mạng ATM: Đừng để cái lợi trước mắt làm hại cái lợi lâu dài

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo các chuyên gia kinh tế, thu phí nội mạng ATM có thể đạt được những lợi trước mắt nhưng về lâu dài nguồn vốn giá rẻ sẽ không được huy động.

Xung quanh việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho các Ngân hàng được phép thu phí nội mạng ATM từ ngày 1/3/2013 vẫn đang có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, thực tế vẫn còn rất nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc cho các Ngân hàng được phép thu phí nội mạng ATM.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, việc thu phí ATM tưởng rằng là chiến lược nhưng thực chất nếu phân tích kỹ ra thì có vẻ như nó chưa phải là chiến lược lắm.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, việc thu phí ATM tưởng rằng là chiến lược nhưng thực chất nếu phân tích kỹ ra thì có vẻ như nó chưa phải là chiến lược lắm.

"Nếu thu phí nội mạng ATM thì sẽ coi nó là một dịch vụ và người sử dụng dịch vụ phải trả tiền, điều này cũng đúng. Nhưng khi khách hàng gửi tiền qua ATM này thì cũng phải được trả lãi suất theo kỳ hạn nhất định khi Ngân hàng sử dụng tiền của người ta.

Còn ở đây Ngân hàng vẫn tính tiền gửi ATM theo lãi suất không kỳ hạn và thêm nữa, lại chỉ tính lợi ích thu phí trên dịch vụ là không được, không công bằng. Và đây chính là điều khiến người dân chưa đồng tình", bà Lan chia sẻ.

Bà Lan cũng cho hay, ở các nước, việc thu phí nội mạng ATM cũng đã được thực hiện từ lâu nhưng mức phí thu rất ít và số tiền gửi trong ATM của người dân đều được tính lãi với thời hạn nhất định.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, theo nguyên tắc khi đã sử dụng dịch vụ thì người sử dụng phải trả phí.

"Tất cả các dịch vụ, nếu muốn dùng thì người dùng phải trả phí, đó là nguyên tắc, cũng như việc anh gửi xe thì anh phải trả tiền gửi. Nhưng ở đây, phí mang tính chất là giá của dịch vụ nên nó phải tương xứng với chất lượng dịch vụ mà người ta được hưởng.

Khi mà người ta gửi tiền vào ATM sẽ có hai khoản là  số dư tối thiểu  và  một khoản đặt trong một khoảng thời gian rất định . Và Ngân hàng được lợi từ số dư chậm trễ đó để mang cho vay. Nếu ở đây, ngân hàng làm thật rõ vấn đề này thì việc trả phí sẽ phù hợp nhưng ở đây đã thiếu đi động tác đó.

Nói cách khác, Ngân hàng cần làm rõ ra các con số, chẳng hạn một cây ATM đầu tư hết khoảng 1 tỷ đồng, khấu hao là từng này và trung bình cây ATM sẽ có được số dư thường xuyên và trong đó, tận dụng số dư mà người ta để chậm trễ từ một tiếng đến vài ngày mà Ngân hàng mang được đi cho vay là bao nhiêu, sau đó tính chi phí mà ngân hàng dùng cho cây ATM đó. Nếu làm được những điều này thì người dùng sẽ thấy được việc nộp phí ATM là đúng.

Còn ở đây, nếu chỉ nói để cho người dân thấy là giá của việc đầu tư cây ATM là đắt cộng thêm các khoản tiền anh phải bảo đảm sự an toàn... mà không nói rõ cái lợi như trên, không minh bạch thì sẽ gặp phải chuyện không đồng tình", TS Dương nói.

Cũng theo TS Dương, trong kinh doanh Ngân hàng, lãi hoạt động sẽ tính chung trên các hoạt động chứ không tính riêng rẽ ra từng hoạt động.

"Các dịch vụ của Ngân hàng là bắn chéo, thậm chí người ta chấp nhận lỗ ở chỗ này để lãi ở khâu khác, nhưng xét tổng số người ta lãi. Vì vậy, tài chính ngân hàng khác với tài chính của doanh nghiệp bình thường ở chỗ đó. Cho nên, việc nộp phí đúng là nên thực hiện thành thói quen nhưng đôi khi người ta dùng bài toán kinh doanh, kể cả chấp nhận lỗ để có thể tập hợp được vốn giá rẻ và lãi ở khâu cho vay.

Đó là tầm chiến lược của Ngân hàng. Còn ở đây, nếu sản phẩm nào cũng muốn lãi thì lúc đó, đặc thù của bài toán Ngân hàng không xuất hiện nữa và sẽ tạo ra phản ứng là người dùng chống lại việc thu phí", Tiến sĩ Dương bày tỏ.

TS Dương cũng nhấn mạnh: "Nếu thu phí chắc chắn người dùng sẽ yêu cầu, mỗi lần rút phải nhiều tiền lên và Ngân hàng có dám chắc chắn, không có tiền tối đa là 4 tiếng không và người ta sẽ tới tận ngân hàng để rút tiền. Nên ở đây, nếu làm như vậy sẽ thu được phí nhưng tổng lợi chưa chắc đã bằng việc không thu phí.

Còn về mặt xã hội, nếu thu phí thì việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không được cổ động. Và  với người dân giờ đây, đã phải chịu đủ loại phí từ phí xe, phí nhà... giờ đây lại phí ATM, trong khi lương có 3 triệu/ tháng thì mỗi khoản phí dù là một chút nhưng cộng vào sẽ thành chuyện.

Chưa kể, phí đó phải kèm theo chất lượng được hưởng nhưng thực tế còn ngân hàng làm tốt nhưng có những ngân hàng làm rất tệ, khiến cho người ta có cảm giác tức mỗi khi rút tiền...".

Xét tổng thể các khía cạnh, TS Dương khẳng định: "Việc thu phí ATM có thể cho rằng là chiến lược nhưng nếu xét tổng thể có thể thấy có vẻ như nó chưa chiến lược lắm. Ngân hàng có thể tính đạt được những lợi ích trước mắt nhưng lại hại về lâu dài nguồn vốn giá rẻ sẽ không được huy động.

Chủ trương có thể cho phép thu phí và nó đúng với nguyên tắc nhưng các Ngân hàng nên vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại