Vừa qua, người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đón nhận tin vui khi có thêm cơ hội mua ở xã hội với mức giá chỉ hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, số lượng những căn nhà như thế còn quá ít so với nhu cầu, khiến việc giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng vẫn còn chậm.
1390 căn hộ với nhiều lựa chọn, diện tích từ 35,8 - 69,5 mét vuông, giá từ 310 triệu - 603 triệu đồng tại Khu đô thị Đặng Xá 2, cùng với gần 1000 căn hộ có giá từ 400-700 triệu đồng/ căn của dự án bắc Cổ Nhuế - Chèm mới khởi công cách đây vài ngày đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân trong thời gian qua.
Những căn hộ giá rẻ như thế đang là ngôi nhà trong mơ của rất nhiều người thu nhập thấp.
Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá 2 sẽ bàn giao nhà trước Tết Âm lịch năm nay, khiến người mua nhà càng thêm yên tâm.
Anh Hoàng Anh Tuấn, quê ở Nam Định cho biết: vợ chồng anh sẽ vay tiền từ Gói tín dụng 30 nghìn tỷ để đăng ký mua căn nhà giá 310 triệu đồng của dự án này: "Chúng tôi đi làm thuê, mức thu nhập cũng chỉ được 5-7 triệu/ tháng, chi phí sinh hoạt cũng đã gần hết. Nếu có những căn nhà giá tầm thế này thì rất phù hợp với chúng tôi".
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số căn hộ nhà ở xã hội được phê duyệt đến thời điểm này là 13 nghìn căn, hầu hết mới bắt đầu động thổ, khởi công. Trong khi đó, riêng tại Hà Nội, nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức thuộc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã lên tới trên 30 nghìn, còn nếu tính nhu cầu nhà ở xã hội của toàn thành phố, thì con số này lên tới khoảng 80 nghìn. Vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu, đặc biệt là thiếu những căn nhà sắp hoàn thành. Đây cũng là nguyên nhân khiến khó có thể giải ngân nhanh gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, đưa ra được mức giá rẻ phù hợp với người thu nhập thấp là cần thiết, song điều lo ngại nhất là vấn đề chất lượng cũng như tiến độ thi công của các dự án mới động thổ: "Tôi nghĩ quan trọng nhất là doanh nghiệp phải làm đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Xây dựng, các cấp chính quyền đã quy định. Hiện nay số lượng người đăng ký mua nhà ở xã hội rất lớn, chúng ta chỉ giải quyết được 1 vài phần trăm trong giai đoạn hiện nay thôi. Nhà nước đứng cầm trịch phải làm sao nhanh chóng ra được nhiều sản phẩm, giải ngân được nhanh thì các dự án mới triển khai nhanh được".
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: qua 3 năm xây dựng thí điểm nhà ở xã hội, đã rút ra kinh nghiệm là cơ cấu các căn hộ cần đa dạng hơn, thay vì diện tích 70-80 mét vuông trước đây, sẽ điều chỉnh các căn hộ có diện tích nhỏ khoảng 35-50 mét vuông. Như vậy, thay vì giá thành gần 1 tỷ đồng, người thu nhập thấp có thể mua được các căn hộ chỉ 300-400 triệu đồng.
Để giải quyết những vướng mắc trong việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ còn chậm, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, trong đó sẽ nới lỏng các điều kiện để người dân có thể dễ dàng hơn trong việc vay vốn mua nhà, như mở rộng đối tượng người mua nhà, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, người mua nhà sẽ chỉ cần 1 con dấu xác nhận thay vì 2 con dấu như trước đây.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, việc giải quyết nguồn cung nhà ở xã hội cần có thời gian lâu dài: "Chúng tôi sẽ tiếp tục khởi công thêm 1 số dự án nhà ở xã hội khác, với vị trí tương đối tốt. Mấy chục nghìn nhu cầu nhà ở xã hội không thể dồn vào đây được. Chúng ta phải rải ra ở các dự án như ở Linh Đàm, đường Quang Trung, Phạm Văn Đồng, khu Ciputra. Chúng tôi đang làm và sẽ còn phải làm lâu dài, từng bước để giải quyết vấn đề khó khăn về nhà ở vốn là 1 trong những nhu cầu rất thiết yếu của người dân".
Giá thành nhà ở xã hội đang được điều chỉnh phù hợp với túi tiền người thu nhập thấp, điều kiện, thủ tục sẽ dần được đơn giản hóa. Vấn đề quan trọng là cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, song, việc này không phải ngày một ngày hai có thể thực hiện được. Vì vậy, đây vẫn là nút thắt khó gỡ trong việc giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hiện nay.