Đầu tháng 10 vừa qua, công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh (Thiên Minh) đã công bố thông tin đến nhà đầu tư chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Với một công ty có vốn chủ sở hữu chưa đầy 700 tỷ đồng như Thiên Minh, đợt phát hành trái phiếu nhằm huy động tới 1.000 tỷ đồng đã gây sự chú ý của thị trường.
Đáng chú ý, số vốn Thiên Minh đặt kế hoạch huy động qua thị trường trái phiếu lần này cũng chính bằng quy mô vốn mà công ty đã vay ngân hàng để thực hiện thương vụ M&A "khủng" hai năm trước. Cụ thể, năm 2011, Thiên Minh đã vay 45 triệu USD từ công ty Tài chính quốc tế (IFC) và một số ngân hàng khác không nêu tên, để mua lại hệ thống khách sạn Victoria Hotels & Resorts, với tài sản thế chấp là chính chuỗi khách sạn này.
Với tổng tài sản khi đó chỉ chưa đầy 500 tỷ đồng đã khiến thương vụ M &A ngàn tỷ của Thiên Minh trở thành một trong những thương vụ M&A nổi bật của năm 2011. Khi đó, Thiên Minh cho biết, công ty đã vay 12 triệu USD (tương đương khoảng 240 tỷ đổng) từ công ty Tài chính quốc tế (IFC).
Cùng thời gian trên, công ty cũng vay một khoản lớn từ ngân hàng ACB, một nguồn tin liên quan đến hoạt động tài chính của Thiên Minh cho biết. Một thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Thiên Minh khi đó cũng nắm vai trò lãnh đạo ACB; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thiên Minh là ông Trần Trọng Kiên, đến cuối năm 2012 cũng giữ một ghế thành viên HĐQT độc lập của ACB.
Quy mô lớn của đợt phát hành trái phiếu cùng với một vài nghi ngại quanh mối quan hệ sở hữu của Thiên Minh đang khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi về mục đích vay vốn lần này của công ty. Khoảng 380 tỷ đồng trong số 1.000 tỷ đồng trái phiếu trên dự kiến sẽ được dùng để tái cơ cấu lại nợ và chi tiết các khoản nợ này chưa được nêu rõ, theo bản công bố thông tin về đợt phát hành.
Khoảng 370 tỷ đồng trong số đó sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án khách sạn, và số còn lại để đẩu tư vào các dự án khác. Trong khi đó, tài sản đảm bảo của đợt phát hành không được nêu rõ trong bản công bố thông tin, chỉ ghi là "các bất động sản của công ty cổ phần du lịch Thiên Minh và các tài sản khác theo động sản hiện nay.
Việc chưa rõ thông tin về tài sản đảm bảo và thiếu độ chắc chắn về dòng tiền trả nợ của các dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh khách sạn của Thiên Minh, đã khiến một số nhà đầu tư lo ngại về tính khả thi của đợt phát hành. Chúng tôi đã có thư xin phỏng vấn ông Trần Trọng Kiên và ông Hồ Việt Hà, Phó tổng giám đốc Thiên Minh về đợt phát hành trái phiếu, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Thiên Minh tái cơ cấu nợ sau thương vụ M&A khủng. Theo một nguồn tin liên quan đến hoạt động tài chính của công ty, tính đến cuối năm 2012, nợ ngắn hạn của công ty đã giảm gần một nửa so với cuối năm 2011, còn khoảng 290 tỷ đồng nhờ vào một đợt cơ cấu nợ năm 2012; nợ dài hạn đồng thời đã tăng gấp đôi, lên gần 450 tỷ đổng. Trong số nợ dài hạn, cũng chỉ có khoảng 85 tỷ đồng phải trả trong vòng 1 năm.
Trong đợt tái cơ cấu nợ năm 2012, khoản nợ ngắn hạn gần 340 tỷ đồng vay ngân hàng ACB đã được trả hết, nguồn tin cho biết. Các khoản vay và nợ dài hạn tại VPBank đã tăng lên thành 290,4 tỷ đồng. Đối với IFC, cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đều giảm đáng kể.
Áp lực lãi vay sau thương vụ M&A tăng đã khiến công ty chỉ tăng nhẹ lợi nhuận trước thuế 2,1%, lên 28,7 tỷ đồng trong năm 2012, mặc dù doanh thu thuần trong kỳ tăng tới 28,2%, lên 1.077 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thậm chí đã giảm 40,7%, xuống còn 14,2 tỷ đồng do một thay đổi trong hạch toán sau khi mua lại hệ thống khách sạn Victoria, cũng theo bản công bố thông tin của Thiên Minh.
Thiên Minh lưu ý, đây là những thông tin tài chính tạm thời và chỉ nên được coi là thông tin tham khảo khi ra quyết định đầu tư. Phía công ty cũng cho biết chưa có dự định niêm yết trái phiếu, vì vậy, trái phiếu nếu được phát hành thành công sẽ không được giao dịch trên thị trường chính thức.