Thị trường vàng chuẩn bị đón nguồn cung lớn?

Theo CAND |

Nếu dập đúng công suất, trong vòng 10 ngày, sẽ có 30 tấn vàng dưới hình thức SJC. Đây là một khối lượng rất lớn mà thị trường sẽ không đủ sức tiêu thụ.

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đơn vị này đã bắt đầu thực hiện gia công vàng miếng theo hợp đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Và cùng với việc NHNN liên tục ban hành các văn bản pháp lý xung quanh quy trình mua bán vàng miếng giữa cơ quan này với doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép, nhiều chuyên gia nhận định một lượng vàng lớn sắp sửa được tung ra thị trường, kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới.

Gia công vàng SJC để tăng nguồn cung

Mặc dù chưa có số liệu cụ thể về khối lượng và tiến độ gia công vàng miếng SJC, nhưng với tính toán của ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT SJC thì hiện nay, công suất dập vàng của đơn vị này đã lên tới 80 nghìn lượng, tương đương với khoảng hơn 3 tấn vàng/ngày.

Nếu dập đúng công suất, trong vòng 10 ngày, sẽ có 30 tấn vàng dưới hình thức SJC. Đây là một khối lượng rất lớn mà thị trường sẽ không đủ sức tiêu thụ. Sau khi SJC gia công xong, NHNN sẽ tổ chức đấu thầu trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được kinh doanh vàng để đưa số vàng dập mới ra thị trường.

Hiện, phía NHNN vẫn chưa có thông tin chính thức nào về ngày tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, NHNN về cơ bản đã chuẩn bị cho mình đầy đủ các văn bản pháp lý để tiến hành đấu thầu vàng miếng với các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

 

Mới đây nhất, ngày 18/3/2013, NHNN đã công bố công khai quy trình mua, bán vàng miếng của NHNN thông qua hình thức mua, bán vàng miếng trực tiếp và mua, bán vàng miếng qua hình thức đầu thầu giữa NHNN và tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.

Theo đó, với hình thức đấu thầu, trình tự mua bán vàng miếng sẽ có 10 bước theo 2 phương cách: đấu thầu theo khối lượng hoặc đấu thầu theo giá. Đáng chú ý, trong trường hợp giá vàng biến động vượt quá mức biến động giá trong phương án mua, bán vàng miếng đã được phê duyệt thì NHNN thông báo hủy thầu. Đối với mua, bán vàng miếng theo hình thức trực tiếp, quy trình cụ thể cũng được thực hiện theo 7 bước.

Để tổ chức thực hiện Quy trình mua, bán vàng miếng qua và qua hình thức mua, bán trực tiếp, Quy trình quy định NHNN thành lập Tổ triển khai đấu thầu và Tổ giúp việc đấu thầu. Trước đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 06/2013/TT-NHNN về hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN…

 

Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng trước đây, các giải pháp đối với thị trường vàng chỉ thực hiện lẻ tẻ chứ không đồng bộ, nên hiệu quả chưa được như mong muốn.

Còn hiện nay, sau việc Thủ tướng Chính phủ ra quyết định và buộc NHNN phải vào cuộc quyết liệt thì thị trường vàng sẽ ổn. "Khi thị trường chỉ còn lại thương hiệu vàng của NHNN, mạng lưới kinh doanh mua bán vàng miếng được thu hẹp và NHNN chính thức tham gia vào thị trường vàng miếng, là người mua bán cuối cùng, thì chúng ta có thể hy vọng vào sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước”, ông Bảng nhận định.

Mở cửa cho vàng “phi SJC”: thuận nhưng vẫn thiệt

Tại Thông tư 06/2013/TT-NHNN quy định: loại vàng miếng giao dịch là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 01 (một) lượng do NHNN cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trong các thời kỳ.

Trong thời gian trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với NHNN là vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC). Tùy điều kiện thực tế, trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do NHNN đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ.

Loại vàng miếng giao dịch cụ thể được thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong thông báo mua, bán vàng miếng hoặc thông báo đấu thầu mua, bán vàng miếng của NHNN.

Như vậy, dù NHNN chỉ đưa ra khả năng nước đôi “có thể xem xét” mua bán vàng “phi SJC”, song thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp và người dân đang giữ vàng miếng các thương hiệu khác đón nhận đây như một tin vui.

Việc NHNN đưa ra thông điệp không còn phân biệt đối xử, đồng nghĩa với thiệt hại của những người đang sở hữu các loại vàng này sẽ được giảm bớt. Song vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng với quy định này, một lần nữa, chính sách vàng lại thể hiện sự chắp vá, thiếu nhất quán.

Một số chuyên gia phân tích: nếu như cơ quan quản lý xác định ngay từ đầu là đa đạng hóa nguồn cung, thì sẽ không cần phải tốn ngoại tệ để thực hiện tái xuất tạm nhập vàng; sẽ không có tình trạng dân đổ xô đi đổi vỏ vàng...

Đấy là chưa kể, sự thay đổi của chính sách quản lý thị trường vàng sẽ dẫn tới hệ lụy là sự bức xúc của dư luận, và đặt câu hỏi ai sẽ là người bù trừ cho tổn thất của họ khi nắm giữ vàng phi SJC trước đây?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại