Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật một số ngân hàng như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN; Ngân hàng Phát triển VN, Ngân hàng NN&PTNT. Cuối năm 2012 sẽ thanh tra Ngân hàng Công thương VN.
Vừa qua, các đại biểu QH chất vấn tại sao các vụ việc sau thanh tra được chuyển sang cơ quan điều tra còn quá ít?
Hiện nay có cái khó. Theo Luật Thanh tra, ngành Thanh tra không có chức năng điều tra và khởi tố. Do vậy, việc đấu tranh để xác định hành vi đó vụ lợi hay không, có tham nhũng hay không là rất khó. Cơ quan điều tra muốn khởi tố thì phải rõ chứng cứ trong khi thanh tra không thể làm được việc này.
Vậy Thanh tra Chính phủ có kiến nghị tháo gỡ khó khăn này?
Chúng tôi có kiến nghị nhưng không được chấp nhận vì chồng chéo với nhiệm vụ của cơ quan công an. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu mô hình cơ quan chống tham nhũng trên thế giới thì họ có chức năng điều tra, thậm chí điều tra bí mật.
Ông Nguyễn Văn Sản.
Việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra và điều tra ra sao, thưa ông?
Qua thanh tra mà phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, chúng tôi thường mời đại diện Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Công an đến trao đổi, nếu các cơ quan này thấy đủ chứng cứ thì thanh tra chuyển, còn không đủ chứng cứ thì thôi. Kết luận vụ việc đó có vi phạm pháp luật hay không là thẩm quyền của cơ quan điều tra.
Việc xử lý thu hồi tài sản sau thanh tra cũng có tỷ lệ thấp, vì sao thưa ông?
Thanh tra phát hiện sai phạm nhưng vấn đề là tài sản đó có còn hay không. Ngoài ra, không phải những sai phạm phát hiện đều phải thu hồi mà có cái chỉ phải xuất toán, giảm trừ quyết toán. Còn những tài sản có sai phạm phải thu hồi thì tỷ lệ thu hồi được cũng không thấp.