Năm nay là thời hạn xét duyệt năm năm một lần mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xem xét lại tỉ lệ các đơn vị tiền tệ có mặt trong rổ SDR.
Muốn chen chân vào rổ SDR
SDR không là đơn vị tiền tệ mà chỉ là đơn vị kế toán (accounting unit), được lập từ năm 1969 mà IMF dùng để kết toán hoạt động giao dịch (các khoản vay mượn) giữa các thành viên.
Chỉ tồn tại trên sổ sách kế toán, nó là đồng tiền ảo bởi không có chính phủ nào đứng đằng sau nó và hầu như không được sử dụng trên thị trường tài chính quốc tế.
Nói theo Jeffrey Frankel, GS kinh tế ĐH Harvard, SDR chẳng khác gì Esperanto (quốc tế ngữ), một nỗ lực tạo ra một hình thức ngôn ngữ toàn cầu có thể có nhiều người biết nhưng chẳng ai dùng…
TQ làm thế nào để có thể chen chân vào rổ SDR?
Bắc Kinh cho rằng bởi sự lớn mạnh của các nền kinh tế mới nổi nên cần thiết phải nâng tỉ lệ các đơn vị tiền tệ trong rổ SDR với sự góp mặt của những đồng tiền thuộc các quốc gia mới nổi, từ bốn đơn vị tiền tệ hiện tại lên 10 chẳng hạn, trong đó tất nhiên có NDT.
Không chỉ nói suông, TQ trong thực tế đã bắt đầu chiến dịch quốc tế hóa NDT. Đầu tháng 9-2009, Bắc Kinh cho biết họ sẽ mua số trái phiếu IMF trị giá 50 tỉ USD bằng NDT.
Vấn đề ở chỗ SDR vẫn chỉ là một đơn vị kế toán hơn là đơn vị tiền tệ có tính thanh khoản. Nó không thể được dùng để can thiệp các thị trường ngoại hối hoặc là đơn vị tiền tệ cho các giao dịch thuần túy.
Muốn SDR từ tiền ảo trở thành tiền thật, người ta phải tạo ra những thị trường riêng, trong đó SDR có thể được bán hoặc mua; phải tạo ra những thị trường có tính thanh khoản mà các chính phủ cũng như tập đoàn có thể phát hành trái phiếu SDR với giá cạnh tranh; và còn phải tái cấu trúc các thị trường ngoại hối sao cho giới kinh doanh tiền tệ giờ đây có thể mua bán dễ dàng thông qua đồng tiền trung gian SDR, theo cách USD như hiện nay (chẳng hạn bán đồng won Hàn Quốc mua baht Thái Lan qua trung gian USD).
Còn nữa, để SDR trở thành đơn vị tiền tệ quốc tế, IMF phải có khả năng phát hành SDR dự trữ phòng trường hợp hụt tiền, theo cách tương tự Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) phát hành thêm USD để bảo đảm tính thanh khoản của đồng tiền này vào nửa sau năm 2008.
Theo luật hiện tại, SDR không thể được phát hành nếu không có sự đồng thuận của 85% thành viên IMF. Tất cả cho thấy việc “đời sống hóa” SDR là chuyện đầy thách thức. Thập niên 1970, người ta từng cố thực hiện tương tự nhưng thất bại.
“Sức mạnh” của NDT?
Trung Quốc tin rằng nền kinh tế họ đủ mạnh và NDT cũng đủ “khỏe” để có mặt trong SDR. Thế nhưng thời điểm hiện tại, người nước ngoài chỉ có thể dùng NDT để mua hàng hóa từ TQ (hơn là bất kỳ quốc gia nào khác, như USD).
Cho nên những thỏa thuận trao đổi giao dịch bằng NDT, bắt đầu từ năm 2008 giữa TQ với một số nước như Argentina, Belarus, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc xem ra chẳng có giá trị thực tế; và nó chỉ cho thấy Bắc Kinh đang nỗ lực từng quốc tế hóa NDT trong khó khăn.
Những nước trên vẫn không thể dùng NDT để can thiệp các thị trường ngoại hối; nhập khẩu hàng hóa từ một nước thứ ba; hoặc thanh toán cho một ngân hàng nước ngoài hoặc người đầu tư trái phiếu nước ngoài.
Cho đến nay trái phiếu được tính bằng NDT chỉ được bán duy nhất ở TQ, bởi hệ thống ngân hàng TQ hoặc một số định chế tài chính đa phương chẳng hạn Ngân hàng Phát triển châu Á và Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation).
Tóm lại, để có thể quốc tế hóa một đơn vị tiền tệ nói chung, trước hết người ta phải đặt nền móng để dựng lên những thị trường đủ lớn cho hoạt động giao dịch của đơn vị tiền tệ đó.
Một cách tổng quát, có ba trụ cột cho việc quốc tế hóa một đơn vị tiền tệ:
- Kích cỡ của nền kinh tế quốc gia cũng như khối lượng giao dịch kinh thương;
- Độ rộng và độ sâu của tính thanh khoản đơn vị tiền tệ đó ở các thị trường tài chính toàn cầu;
- Tính ổn định cũng như khả năng chuyển đổi sang đơn vị tiền tệ khác.
Tất cả cho thấy yếu tố căn bản để IMF đưa một loại đơn vị tiền tệ vào rổ SDR - nó có giá trị, được sử dụng rộng rãi và tự do - thì NDT rõ ràng chưa thể đủ “chuẩn”.
Tuy nhiên, TQ vẫn muốn và muốn ở ngay thời điểm này, như Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với Giám đốc IMF Christine Lagarde vào ngày 23-3-2015.
Khách du lịch từ nước này qua nước khác chẳng ai đổi NDT
Theo nhận định của SG Friedrich Wu, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Kỹ thuật Nanyang - Singapore, TQ hiện vẫn thua xa nhiều nền kinh tế ở tỉ lệ bình quân thu nhập đầu người. Kinh tế TQ vẫn còn nhiều bất cập và rủi ro, đặc biệt tình trạng chênh lệch rộng giữa khu vực thành thị và nông thôn. Việc có thể dùng một cách thoải mái (freely usable), một yếu tố căn bản để đánh giá mức độ “quốc tế hóa” của một đơn vị tiền tệ, với NDT, điều này còn cách rất xa với thực tế. Một cách dễ hiểu, một khách du lịch từ bất kỳ nước nào đến bất cứ nước nào cũng đổi tiền sang USD chứ chẳng ai đổi NDT.