2kg tỏi đổi hơn chỉ vàng
Tỏi cô đơn (còn gọi là tỏi mồ côi) ở huyện đảo Lý Sơn vào thời điểm cuối mùa đang khan hiếm.
Giá tăng vọt lên 2 triệu đồng một kg, gấp 19 lần so với loại tỏi thông thường.
Chưa năm nào giá tỏi cô đơn ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tăng kỷ lục vào thời điểm cuối mùa như hiện nay.
Việc tỏi cô đơn tăng giá đột biến khiến nhiều gia đình ở huyện đảo Lý Sơn tiếc nuối vì đã lỡ bán loại tỏi này với giá rẻ hơn trước đó.
Thông tin trên báo VnExpress, chị Thanh (ngụ ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) cho biết, gia đình vừa chuyển hơn 10 kg tỏi cô đơn cho khách ở Hà Nội đặt hàng làm quà biếu dịp Tết Ất Mùi sắp tới với tổng số tiền trên 20 triệu đồng.
"Tháng trước, giá mỗi kg tỏi cô đơn chỉ 1,2 triệu đồng thì nay tăng vọt đến 2 triệu đồng. Hiện tại cứ bán hai kg loại tỏi đặc biệt này có thể sắm được hơn một chỉ vàng", chị Thanh nói.
"Bắt đầu từ tháng tới, giá tỏi cô đơn có thể giảm mạnh xuống còn 500.000 đến 700.000 đồng mỗi kg khi bà con nông dân nơi đây đồng loạt thu hoạch", ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã An Hải) – một người dân ở Lý Sơn ho hay trên VnExpress.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, năm nào đến gần Tết giá tỏi cũng tăng cao nhưng chưa bao giờ giá tỏi cô đơn có mức giá kỷ lục như hiện nay.
Từ lâu, tỏi cô đơn được ví là loại dược liệu quý bảo vệ sức khỏe trong điều kiện giữa biển - nơi cách xa với đất liền, nhất là tiết trời mùa đông biển động.
Tỏi cô đơn ở đảo Lý Sơn có vị thơm, cay nồng hơn các loại khác.
Tỏi này màu trắng, nhỏ hơn đầu ngón tay út, hình bầu dục chứa nhiều tinh dầu nên ăn vào có vị cay thơm mà không gây hôi miệng như tỏi ở nhiều vùng miền khác.
Nó có thể chữa nhiều bệnh cảm cúm, dạ dày, tim mạch, bổ thận…
Củ kiệu mất giá, người trồng kém vui
Người trồng kiệu ở Khánh Hòa mấy ngày qua đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ kiệu Tết lớn nhất năm. Ngoài năng suất giảm, kiệu Tết năm nay mất giá khiến người trồng kiệu “kém vui”.
Cụ thể, kiệu loại 1 (củ to) được thương lái thu mua dao động từ 17.000 - 19.000 đồng/kg, thay vì 23.000 – 25.000 đồng/kg như năm ngoái; kiệu loại 2, loại 3 cũng rớt giá tương tự.
Người dân thu hoạch củ kiệu (Ảnh báo Dân trí).
Theo các thương lái, hiện chưa vào cao điểm tiêu thụ thực phẩm Tết nên giá kiệu chưa có dấu hiệu tăng. Dự kiến, khoảng 7-10 ngày tới, khi sức mua tăng lên, giá kiệu Tết mới có thể vực dậy.
Thông tin trên báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Hằng (50 tuổi), thuê đất trồng kiệu ở phía Tây sân bay Cam Ranh (phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh), cho biết, vụ kiệu Tết năm nay mất mùa do thời tiết ít mưa, nắng hạn kéo dài.
Bên cạnh đó, năng suất kiệu giảm do sự tấn công của sâu dòi và sâu bã trầu.
Không chỉ ở Cam Nghĩa, tình trạng kiệu mất mùa cũng diễn ra tương tự ở vựa kiệu trên địa bàn xã Cam Thành Nam, TP Cam Ranh.
Năm nay, người dân trên địa bàn xã Cam Thành Nam trồng 50 ha kiệu, giảm 20 ha so với năm ngoái.
Lý giải việc này, ông Ngô Văn Nhẹ, Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Thành Nam, cho biết, vào thời điểm bà con trồng kiệu thì nắng hạn kéo dài, thiếu nước nên không thể xuống giống.
Hiện người trồng kiệu ở Khánh Hòa sau khi thu hoạch, phơi khô, đóng bao đã thuê xe chuyên chở vào TP HCM để bỏ sỉ tại các chợ đầu mối.