Về mặt lý thuyết, tất cả người dân Na Uy đã cùng trở thành triệu phú nếu tính trên đồng nội tệ của họ là Krones nhờ giá dầu và khí đốt tăng cao. Ngày 8/1/2014 đã trở thành một cột mốc quan trọng đối với Na Uy khi quốc gia này bỗng dưng sở hữu quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.
Được thành lập vào năm 1990, quỹ này sở hữu khoảng 1% cổ phiếu của thế giới, cùng các trái phiếu và bất động sản tại nhiều nơi, từ London đến Boston. Đây là lý do tại sao Na Uy lại là quốc gia Bắc Âu duy nhất không phải đối mặt với núi nợ chồng chất.
Thông tin trên website của Ngân hàng Trung ương quản lý quỹ này cho thấy, tài sản quỹ đã tăng lên 5,11 nghìn tỷ Krones (828,66 tỷ USD), gấp hơn một triệu lần ước tính dân số chính thức gần đây nhất của Na Uy là gần 5,1 triệu dân.
Ông Thomas Sevang, phát ngôn viên của Ngân hàng Trung ương Na Uy cho biết, đây là lần đầu tiên số tiền của quỹ này đạt được mức tương đương 1 triệu Krones/ người (161.459 USD/ người).
Điều này không có nghĩa là người Na Uy có thể chi tiêu trực tiếp khoản tiền ấy, mà nó sẽ là nguồn dự trữ trong tương lai cho họ và các thế hệ sau. Kể từ khi giá dầu Biển Bắc bắt đầu leo thang vào năm 1969, người dân Na Uy đã biết chiến thắng sự cám dỗ để không phung phí “khoản trời cho” kiếm được từ dầu và khí đốt.
Bà Siv Jensen, bộ trưởng Tài chính Na Uy phát biểu với Reuters rằng, Quỹ hưu trí toàn cầu của chính phủ đã giúp giải quyết các biến động lớn và khó lường về giá dầu và khí đốt. Na Uy là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 7 trên thế giới. Quỹ này tương đương 183 % GDP Na Uy năm 2013 và được dự kiến sẽ đạt mức tối đa là 220 % GDP vào năm 2030.
Na Uy đã tìm cách tránh những chu kỳ tăng trưởng và suy thoái kinh tế bằng cách đầu tư tiền mặt ở nước ngoài. Tại Na Uy, chính phủ có thể chi tiêu 4 % số tiền của quỹ mỗi năm, cao hơn một chút so với lợi tức đầu tư hàng năm của nước này.
Tuy nhiên ở Na Uy, việc đầu tư nhiều vào lĩnh vực dầu khí khiến chính phủ phải miễn cưỡng cải cách hoặc cắt giảm trợ cấp một cách không tưởng ở những lĩnh vực khác. Nó cũng khiến một số người dân Na Uy phải miễn cưỡng làm việc. Ông Doerum cho biết, "Cứ 5 người trong độ tuổi làm việc thì chỉ có 1 người nhận bảo hiểm xã hội thay vì làm việc," mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chính thức của nước này là 3,3 %.