Thông tin trên vừa được đăng tải trên trang Live Mint của Ấn Độ. Theo trang này, việc giành hợp đồng xây nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam sẽ mở đường thúc đẩy những tham vọng của Tata Power tại thị trường Đông Nam Á cũng như chính sách hướng Đông của Ấn Độ.
Dự án nhiệt điện Long Phú 2 khi được thực hiện sẽ là vụ đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Ấn Độ vào Việt Nam. “Tata Power đã được Chính phủ Việt Nam giao dự án Long Phú 2 dựa trên các nghiên cứu tiền khả thi. Công suất của dự án là 1.200 MW theo quy hoạch tổng thể. Tata Power hiện đang thực hiện các bước đi tiếp theo nhằm chính thức hóa một biên bản ghi nhớ giữa hai bên”, một tuyên bố của Tata Power gửi theo đường email cho biết.
Theo dự kiến, việc xây dựng dự án nhiệt điện nói trên sẽ bắt đầu vào năm 2019. Nguồn tin thân cận cho biết, những việc mà Tata Power cần làm sắp tới liên quan tới dự án là hoàn thành kế hoạch về tài chính và đạt một thỏa thuận về mua bán điện.
Trang Live Mint cho hay, trong một lá thư hôm 21/5 gửi tới ông Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Giám đốc điều hành S. Ramakrishnan của Tata Power bày tỏ lời cảm ơn vì “đã hỗ trợ Tata Power sớm đạt được dự án này”.
“Trên phương diện nào đó, đây là một cột mốc đối với Ấn Độ”, ông Charan Wadhva, một chuyên gia kinh tế thuộc trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi, nhận xét.
“Tập đoàn Tata là công ty đa quốc gia số 1 của Ấn Độ. Họ có khả năng và uy tín để làm những dự án như vậy. Điều này sẽ giúp ích cho chính sách hướng Đông của Ấn Độ. “Việt Nam là một trong những quốc gia năng động trong khu vực”, ông Wadhva nói.
Chính sách hướng Đông của Ấn Độ là những nỗ lực của nước này từ đầu thập niên 1990 nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á.
Long Phú 2 là một trong ba nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú. Nhiệt điện Long Phú 1 với công suất 1.200 MW do tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) làm chủ đầu tư. Nhiệt điện Long Phú 2 đã được giao cho tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư từ tháng 5/2010, nhưng vào tháng 8 năm ngoái, do phải tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án thủy điện nên tập đoàn Sông Đà đã xin trả lại dự án này.
Việc tham gia vào Nhiệt điện Long Phú 2 có thể coi là một sự trở lại Việt Nam của tập đoàn Tata. Trước đây, tập đoàn này đã lên kế hoạch đầu tư dự án thép 5 tỷ USD ở Hà Tĩnh, nhưng đến hiện tại vẫn chưa đạt được tiến triển gì.