Sáng 3/9, phiên họp cuối cùng của Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Kết thúc phiên họp này, Hội đồng bắt buộc phải đề xuất được phương án tăng lương tối thiểu vùng để trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong tháng 9 và bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2016.
Mang tới phiên họp này, đề xuất mức tăng lương tối thiểu của đại diện cho người lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn giữ khoảng cách chênh lệch khá lớn.
Cả hai bên đều chưa có sự nhượng bộ, dù đây là phiên họp cuối cùng, khi giữ nguyên mức đề xuất đã đưa ra tại phiên họp ngày 25/8.
Phía TLĐLĐVN đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức 16,8% so với năm 2015. Trong khi đó, VCCI tiếp tục bảo lưu quan điểm mức tăng không thể vượt quá 10%.
Do cả hai bên đều kiên quyết giữ nguyên phương án của mình, hai phiên họp trước của Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải tạm dừng do đàm phán không có kết quả.
Nếu trong phiên họp này, hai bên tiếp tục không đạt được thỏa thuận để có một phương án chung đưa ra bỏ phiếu, chủ tịch Hội đồng sẽ sử dụng quyền được qui định trong qui chế để quyết định phương án mức tăng lương tối thiểu vùng đưa ra Hội đồng bỏ phiếu và trình Chính phủ phê duyệt và áp dụng từ ngày 1/1/2016.
Trao đổi với Tuổi Trẻ trước phiên họp này, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết:
“Tỷ lệ tăng lương tối thiểu đề xuất cho năm 2016 của hai bên đại diện trong hội đồng vẫn còn khoảng cách chênh lệch rất lớn.
Tuy bên nào cũng có lập luận, lý lẽ để bảo vệ phương án của mình. Nhưng để đi đến một phương án chung khả thi, cả hai bên đều phải có sự nhượng bộ, chứ không thể giữ nguyên quan điểm như hiện nay”.
Theo đánh giá của ông Huân, việc thương lượng để đi đến một phương án thống nhất giữa hai bên trong phiên họp cuối cùng sẽ rất khó khăn.
“Với vai trò là chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, tôi sẽ nỗ lực điều hành để hai bên có thể đàm phán rút ngắn khoảng cách.
Tôi rất mong hai bên qua đàm phán, thương lượng có thể tiến tới gần nhau hơn và có được một phương án chung đáp ứng được lợi ích của cả hai bên và phù hợp với thực tế”.
Được biết, tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng của năm 2015 so với năm 2014 là 14,3%.
Với mức tăng này, lương tối thiểu vùng được đánh giá là mới đáp ứng khoảng 78-85% mức sống tối thiểu của người lao động.
Tuy nhiên, theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia, tỷ lệ tăng lương tối thiểu của năm 2016 sẽ khó đạt được như mức tăng của năm 2015 do phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn.