Từ 20g ngày 28-3, theo quyết định của liên Bộ Tài chính - Công thương, giá bán xăng dầu trên cả nước bắt đầu tăng từ 362 đến 1.430 đồng/lít, đẩy giá bán lẻ xăng A92 lên mức cao kỷ lục: 24.580 đồng/lít.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ sự vô cùng ngạc nhiên, khó hiểu trước quyết định tăng giá xăng dầu cao như vậy của liên Bộ Tài chính - Công thương
"Tôi thực sự ngạc nhiên là trong lúc giá xăng dầu trong vài tuần gần đây trên thế giới đang có chiều hướng giảm thì liên bộ Tài chính - Công thương lại quyết định tăng giá xăng dầu với mức tăng rất cao như vậy.
Các cơ quan chức năng cho phép tăng giá xăng dầu phải có sự giải thích rõ ràng, việc tăng giá xăng dầu lần này dựa trên cơ sở, lý do nào và việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu trong thời gian qua đến đâu rồi", bà Lan nói.
Một thực tế cũng được bà Lan đặt ra đó là, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, để tránh việc tăng giá, Nhà nước đã sử dụng quỹ bình ổn đề bù đắp lại khoản chênh lệch cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, khi giá xăng dầu thế giới giảm, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn không giảm, đồng thời lại vẫn được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
"Rõ ràng thời gian vừa qua như công luận đều thấy, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước lãi rất lớn vì được sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu trong khi giá xăng thế giới ở mức thấp. Vậy mà ở đây, không những không tiến hành giảm giá xăng dầu, rút sử dụng quỹ bình ổn mà lại còn tăng giá xăng lên. Thực là tôi cũng không hiểu được việc này", bà Lan bày tỏ.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc tăng giá xăng dầu cao kỷ lục như vậy sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều nhất.
"Người tiêu dùng ở đây sẽ chịu thiệt đơn, thiệt kép. Vừa thiệt là do giá xăng dầu tăng lên thì họ sẽ phải trả giá cao hơn và như tiền lệ lâu nay, giá xăng dầu tăng lên sẽ dẫn tới giá các mặt hàng khác có thể tăng theo. Bởi xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí giá vận tải tăng theo và chi phí của một loạt các doanh nghiệp có sử dụng xăng dầu cũng tăng lên.
Thứ hai nữa, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, bởi vì trong quý I này chỉ số CPI tăng thấp nhưng đâu có phải vì thế mà đã chủ quan được với lạm phát bởi nó có thể tăng trở lại", bà Lan nhấn mạnh.
Bà Lan cũng cho rằng, ngành xăng dầu chọn thời điểm này, khi mà chỉ số CPI và lạm phát thấp, ổn định hơn để tăng giá tưởng chừng như là "khôn" và làm cho nhiều người tưởng rằng, giá xăng dầu không có ảnh hưởng đến chỉ số giá cả của 3 tháng đầu năm nhưng "đó là phép tính không sòng phẳng và có thể nói có phần nào là gian dối về hệ quả của nó đối với nền kinh tế".
Từ thực tế trong thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới giảm mà giá xăng dầu trong nước vẫn duy trì mức giá cao và lại tăng lên cao, bà Lan nhấn mạnh đến vấn đề đó là "thiếu thị trường ở nước ta đó là không có cạnh tranh thực sự và kiểm soát của các cơ quan liên quan, nhất là hai ngành Tài chính - Công thương mà ở đây là Tổ điều hành giá xăng dầu vẫn chưa làm hết được trách nhiệm của mình".
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, quyết định tăng giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới giảm là không tuân theo quy luật thị trường, thể hiện sự tuỳ tiện, ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý.
"Giá xăng dầu thế giới đang đi xuống trong vài ngày nay và Trung Quốc cũng mới quyết định giảm giá xăng dầu mà ở nước ta lại tiến hành tăng thì rõ ràng đây là sự tuỳ tiện, đi ngược lại quy luật của thị trường.
Việc lấy lý buộc phải tăng giá xăng dầu trong nước là để hạn chế buôn lậu, tôi thấy không hợp lý bởi như vậy thì lực lượng quản lý thị trường ở đâu? Thêm vào đó, lượng xuất lậu của chúng ta cũng đâu phải chiếm tỷ số % lớn. Còn lấy lý do tăng giá là bù vào cho quỹ bình ổn thì tôi thấy cũng không ổn, chỉ là sự ngụy biện.
Là người tiêu dùng, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần phải có sự lý giải hết sức minh bạch về việc tăng giá lần này", ông Phú nhấn mạnh.