Giữa cái nắng tháng 4 oi ả, hàng chục công nhân từ thợ xây, thợ sơn, thợ mộc đến thợ lau chùi quét dọn ở Công viên Văn Miếu (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc)... đang tất bật hoàn thiện công trình trăm tỷ để đón khách thăm dịp khánh thành đợt đầu.
Công viên Văn Miếu là dự án được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đề xuất xây dựng từ năm 2011 với kinh phí gần 300 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh.
Cùng với các công trình kiến trúc như Nhà hát, Quảng trường, Trung tâm lễ hội Tây Thiên... thì Công viên Văn Miếu được cho là công trình văn hóa đương đại có quy mô lớn nhất của địa phương được sử dụng ngân sách của tỉnh.
Theo đó, công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc được xây dựng trên diện tích 42.000m2 tại khu Gò Cháo, thuộc thành phố Vĩnh Yên.
Mặt tiền của Văn Miếu theo hướng Tây - Nam, trước là hồ Đầm Vạc - một thắng cảnh tuyệt đẹp của miền đất trung du, án núi Ba Vì, trẩm gối núi Tam Đảo chạy dài qua các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, ra tới dãy núi Đông Triều.
Ông Hùng, một thợ chuyên đồ mộc ở đây cho biết, mặc dù nhiều hạng mục còn dở dang như bia Tiến sỹ, cổng Văn Miếu.. nhưng đã có rất nhiều du khách thập phương kéo về tham quan.
“Tôi làm ở đây được hai năm gần như ngày nào cũng có khách vào thăm. Một phần vì người dân biết trước, một phần khách du lịch đi thăm quan danh lam thắng cảnh Tây Thiên, đi qua thấy khu Văn Miếu đồ sộ họ vào xem.
Tất cả gỗ ở đây chúng tôi làm đều là gỗ lim xịn, sau đó được thợ sơn màu đỏ, vẽ thêm họa tiết mây, rồng, phượng cho đẹp, đúng với nét truyền thống của Việt Nam”, ông Hùng nói.
Dưới đây là hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại Công viên Văn Miếu:
Gỗ lim nhập khẩu được dùng để xây dựng Công viên Văn Miếu có giá trị hàng tỷ đồng
Nhiều hạng mục sẵn sàng đưa vào sử dụng
Công viên Văn Miếu được đầu tư xây với vốn gần 300 tỷ đồng
Cổng Văn Miếu được xây bề thế theo lối kiến trúc cổ
Mái đình được trang trí với nhiều hoa văn độc đáo
Chiếc cổng phụ cũng được làm bằng đá trông rất đồ sộ
Bên trong đình được sơn son thiếp vàng với hàng gỗ lim bề thế
Tất cả các công trình gần như hoàn thiện chờ ngày khánh thành
Nhiều bia đá khắc tên Tiến sỹ cũng đã hoàn thành
Hoa văn, họa tiết được bày trí tỉ mỉ, khéo léo
Hậu cung có quy mô 2 tầng, kết cấu bằng gỗ lịm xin nhập ngoại
Vĩnh Phúc là "đất học" của Việt Nam. Khoa thi năm 1124, thời vua Lý Nhân Tông, người lập Quốc Tử Giám, Vĩnh Phúc có người đỗ đạt khoa bảng.
Khoa thi cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam năm 1919, Vĩnh Phúc cũng có người đỗ khoa bảng.
Trải qua 795 năm (1124 - 1919), Vĩnh Phúc có 392 vị đỗ khoa bảng, trong đó có 9 vị đỗ đại khoa…
Tuy nhiên, suốt gần 1.000 năm qua, sự vinh danh khoa bảng, tôn vinh hiền tài chủ yếu được lưu tại văn bia của các nơi trong tỉnh.
Khi Văn Miếu Vĩnh Phúc hoàn thành, sẽ là nơi quy tụ vinh danh các bậc hiền tài của địa phương trong lịch sử của vùng đất này.