Vinamilk và Kinh Đô đối đầu trực tiếp với nhau ở phân khúc kem và sữa chua. Còn lại hầu như mỗi người thống trị một phân khúc riêng trong thị trường hàng tiêu dùng.
Tính đến hết năm 2012, tài sản và vốn chủ sở hữu của Vinamilk và Masan Consumer đều trên 10.000 tỷ đồng và có trong tay vài nghìn tỷ đồng tiền
mặt.
Cả 3 đại gia thực phẩm này đều đã có những vụ mua bán sáp nhập lớn để mở rộng ảnh hưởng của mình. Nổi bật nhất là Masan Consumer với việc thâu tóm Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo và Cám Con Cò. Kinh Đô từ rất lâu đã có các vụ thâu tóm kem Wall, nước giải khát Tribeco, Vinabico...Vinamillk gần đây có thương vụ đầu tư mua cổ phần của một công ty sữa New Zealand và trước đó là mua lại toàn bộ công ty Thực phẩm F&N Việt Nam
Năm 2012, doanh thu của Vinamilk gấp rưỡi doanh thu của Masan Consumer và gấp 6 lần Kinh Đô. So với năm 2011, Kinh Đô hầu như không có sự tăng trưởng trong khi Masan tăng trưởng hơn 40% do hợp nhất toàn bộ doanh thu của Vinacafe Biên Hòa. Masan Consumer đã nắm 40% cổ phần của nhà sản xuất Cám Con Cò, nếu mua thêm cổ phần để đủ tỷ lệ chi phối (trên 50%), doanh thu của công ty sẽ tăng gấp đôi và vượt mốc 1 tỷ USD. Từ năm 2011, doanh thu của Vinamilk đã vượt mốc 1 tỷ USD.
Trong ngành hàng tiêu dùng, việc xây dựng được hệ thống phân phối - bản lẻ rộng khắp là một trong những yếu tố then chốt. Là những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành, hệ thống bán lẻ của Vinamilk và Masan Consumer cũng rất đáng nể. Tính đến cuối năm 2011, Vinamilk có 178 nghìn điểm bán lẻ còn Masan Consumer là 163,6 nghìn - theo như số liệu công ty từ chính các công ty.
Do đặc thù của ngành, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng thường phải chi rất lớn cho công tác bán hàng, đặc biệt là chi phí quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ nhà phân phối. Chỉ phí bán hàng chỉ chiếm 9% doanh thu năm 2012 của Vinamilk trong khi tỷ lệ này ở Kinh Đô lên đến 23%. Trong năm 2012, Vinamilk chi hơn 1.200 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyễn mãi. Chi phí bán hàng của Kinh Đô xấp xỉ với doanh thu của một doanh nghiệp bánh kẹo lớn là Bibica.
Trong đợt rót vốn vào Masan Consumer, KKR đã trả mức giá tương ứng với định giá công ty ở mức 2,5 tỷ USD. Còn đối với Vinamilk, vốn hóa thị trường đến giữa tháng 3 là hơn 4,1 tỷ USD - một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Kinh Đô bé hơn khá nhiều khi mới chỉ đạt hơn 360 triệu USD
KKR - một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư ltư nhân lớn nhất của Hoa Kỳ - đã bỏ ra 360 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần của Masan Consumer. Đối với Vinamilk, nhà đầu tư ngoại đã nắm giữ tối đa 49% cổ phần từ khá lâu trong khi tỷ nắm giữ tại Kinh Đô cũng lên đến hơn 47%.Cổ đông chiến lược của Vinamilk có tập đoàn đồ uống F&N của Singapore còn cổ đông chiến lược của Kinh Đô là hãng bánh kẹo Ezaki Glico đến từ Nhật Bản.
Quy mô doanh thu khác nhau nhưng cả 3 doanh nghiệp có số lượng nhân viên chênh nhau không nhiều.