Khởi dựng từ một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, bầu Đức mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác. Từ năm 1990, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyễn Đức phát triển, ông trở thành chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Từ một doanh nghiệp trong nước, tới nay Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành một tập đoàn đa quốc gia với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá với tổng tài sản ước tính hơn 32.000 tỷ đồng tính đến hết quý I/2013.
Ngoài việc đầu tư trong nước, mạng lưới kinh doanh của HAGL còn được mở rộng sang các quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Bầu Đức bắt đầu đầu tư vào Lào từ năm 2007, ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Tính đến thời điểm này, Lào là quốc gia nước ngoài đầu tiên thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của HAGL với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD tập trung chủ yếu ở tỉnh Attapeu (nam Lào) và Huaphanh (đông Lào)...
Cụ thể, bầu Đức có ba dự án trồng cao su, trồng mía đường với tổng diện tích lên đến 30.000 ha. Giá trị đầu tư khoảng 210 triệu USD.
Dự án cụm nhà máy gồm nhà máy sản xuất đường 7000 tấn/ngày, nhà máy nhiệt điện công suất 30 MW, nhà máy ethanol 12.000 tấn/năm và nhà máy phân vi sinh công suất 50.000 tấn/năm tại tỉnh Attapeu có cùng một loại nguyên liệu là cây mía, giá trị đầu tư 100 triệu USD.
Dự án thủy điện Nậm Kông 2, Nậm Kông 3, Hạ Xê Kông, Sê Sụ và Nậm Ét có tổng công suất lên đến 400 MW, trị giá khoảng 500 triệu USD.
Về khoáng sản, bầu Đức sở hữu một mỏ đồng tại Xê Kông và một mỏ sắt tại huyện Đắc Chưng tỉnh Xê Kông, giá trị đầu tư khoảng 70 triệu USD. Ngoài ra, dự án hai sân bay tại tỉnh Attapeu và tỉnh Hủa Phăn cũng có giá trị khoảng 60 triệu USD.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho các dự án nói trên, HAGL đã đầu tư 35 triệu USD không hoàn lại cho các dự án bệnh viện, hạ tầng giao thông, nhà ở tặng cho hai tỉnh Attapeu và Xê Kông của Lào. Theo bầu Đức, khi kết thúc các dự án đầu tư vào năm 2014, HAGL sẽ tạo ra một kim ngạch xuất khẩu lên đến 400 triệu USD/năm cho hai tỉnh nói trên, trong đó Attapeu chiếm 90%.
Tiếp theo Lào, năm 2008, HAGL thực hiện chiến dịch "tấn công" sang Campuchia. HAGL hiện có khoảng 15.000 héc ta đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su. Ngoài ra, HAGL còn có hai mot sắt nằm tại tỉnh Ratanakiri, cách biên giới với tỉnh Gia Lai của Việt Nam khoảng 40km, có trữ lượng ước tính khoảng 30 triệu tấn quặng.
Mỏ sắt thứ hai được chính phủ Hoàng gia Campuchia cấp quyền khai thác cho HAGL, nằm cách mỏ thứ nhất khoảng 20km. Hiện, tổng số vốn mà HAGL đầu tư vào Campuchia khoảng 100 triệu USD, trong đó hai mỏ khoáng sản sẽ tiêu tốn khoảng 40 triệu USD, số còn lại được dành cho các nông trường cao su.
Thái Lan là thị trường ngoài nước thứ 3 của bầu Đức. Năm 2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh trực thuộc HAGL đầu tư ra nước ngoài theo hình thức liên doanh (Hoàng Anh Gia Lai Bangkok Co. Ltd) để xây dựng, mua bán căn hộ tại Thái Lan. Dự án khởi công từ tháng 9/2009, tổng vốn đầu tư là 20,4 triệu USD, trên diện tích đất hơn 5000 m2, dự án HAGL Bangkok có khoảng 140 căn hộ.
Đến năm 2012, HAGL chính thức xâm nhập thị trường Myanmar sau nhiều năm thăm dò khảo sát và chuẩn bị pháp lý. Và đến ngày 5/6/2013 vừa qua, tập đoàn HAGL đã tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án khu phức hợp Yangon và tuyên bố nâng tổng số vốn đầu tư cho khu phức hợp tại Yangon lên 440 triệu USD, tăng 47% so với dự toán ban đầu (300 triệu USD).
Với sự ra đời của Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center, hiện tại HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar.
Nói về dự án mới tại này, bầu Đức cho biết, năm 2013 sẽ dốc toàn lực xây khu phức hợp 300 triệu USD tại Yangon, đại gia này cũng tự tin rằng, nếu nhanh chân có thể hái tỷ USD khi địa ốc Myanmar nóng lên trong 5 năm tới
Với việc đầu tư mạnh ra nhiều nước trong khu vực, bầu Đức đang chứng tỏ sức mạnh, ảnh hưởng rộng lớn của Hoàng Anh Gia Lai và đồng thời cũng như một sự thể hiện về khối tài sản khổng lồ như ông từng khẳng định: "Tôi không thiếu tiền. Tôi rất nhiều tiền, thậm chí tiền của tôi có thể nói tiêu cả 3 đời, 4 đời, đến 5 đời cũng không thể hết được tiền. Tôi làm việc gì đam mê".
Kết luận
Nhìn qua việc đầu tư cao su, khai thác quặng sắt, thủy điện tại Đông Dương có thể thấy, Bầu Đức dường như đang đi theo chiến lược của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc tiếp cận với châu Phi thông qua chương trình “đổi hạ tầng lấy khoáng sản” thì Đoàn Nguyên Đức tiến dần ra Đông Dương cũng với chiến lược tương tự.
Theo thông tin từ website của Hoàng Anh Gia Lai, Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chay Ly khẳng định: “Các doanh nghiệp Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật nước này, tôn trọng phong tục tập quán, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tạo việc làm, góp phần vào ngân sách Campuchia mà còn xây nhiều công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế… cho nhân dân địa phương”.
(Còn nữa)