1. Cho đến khi McDonald’s khai trương tại TP.HCM, Việt Nam không có các nhà hàng thức ăn nhanh mở cửa 24/24 vì cơ bản người Việt chưa quen với việc ăn sáng/ăn khuya bằng gà rán hay hamburger.
Mc Donald’s cũng là nhà hàng thức ăn nhanh (fastfood) đầu tiên có hệ thống Drive Thru (mua hàng không cần ra khỏi xe hơi), tuy nhiên ô tô không phải là phương tiện chính ở Việt Nam vì thế có lẽ dịch vụ này dành cho người đi xe máy thì cần thiết hơn.
2. Nếu hầu hết mọi người chọn fastfood bởi nó nhanh (fast), tiện lợi và tiết kiệm thời gian thì khi người Việt chọn ăn tại nhà hàng fastfood có nghĩa họ... có nhiều thời gian.
Người Việt chọn fastfood vì đa số các nhà hàng fastfood ở Việt Nam đều tọa lạc tại những vị trí đắc địa (ngã tư đường, vòng xoay, siêu thị, điểm dừng chân... ), có lối trang trí đẹp mắt, hiện đại và hào nhoáng... là nơi cho giới trẻ hẹn hò, tụ tập, thậm chí tổ chức sinh nhật hay tiệc tùng trong các dịp kỷ niệm.
Máy lạnh cũng đóng vai trò lớn trong việc kiến tạo thành công cho các cửa hàng fastfood tại quốc gia quanh năm nóng như Việt Nam.
3. Khó có thể thấy người lớn tuổi dùng bữa trong các nhà hàng fastfood vì định kiến với thức ăn phương Tây. Còn giới trung niên thì luôn lo ngại về vấn đề gìn giữ các món ăn truyền thống, vì thế họ cũng không “hảo” các món gà hay khoai tây chiên du nhập từ các quốc gia xa xôi.
4. Khi nhìn vào thực đơn của các nhà hàng fastfood, thực khách nước ngoài sẽ có đôi chút ngạc nhiên vì có nhiều món không thể tìm thấy tại các chi nhánh khác trên thế giới. Sự “thống trị” của món cơm được thể hiện rõ trong thực đơn tại Việt Nam, như món philê cá, burger cá chiên, súp gà đều có thể được phục vụ với cơm.
Nói cách khác, đây chính là cách các nhà hàng dung hòa khẩu vị quốc tế và Việt Nam, nhằm đem thức ăn phương Tây xích lại gần hơn với người bản địa.
5. Nếu mua về, nhà hàng thường xuyên sử dụng túi nhựa thay cho túi giấy truyền thống của mình như tại các quốc gia khác.
6. Vị xốt tương cũng khác biệt, thường ngọt hơn cho vừa khẩu vị truyền thống.