Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) quý I/2015 cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ, thậm chí một số còn thua lỗ.
Trong nửa đầu năm 2015 đã ghi nhận nhiều cái tên tiếp tục thua lỗ.
Doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL) với mức lỗ lên đến 15 tỷ đồng.
Ngay quý trước đó, PTL đã có lợi nhuận 16 tỷ đồng nhưng lợi nhuận cả năm 2014 chỉ ở mức tượng trưng gần 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp về nhì trong việc thua lỗ là Công ty Cổ phần Kinh doanh & Phát triển Bình Dương (TDC) với mức lỗ 14 tỷ đồng trong quý I.
Ngoài ra còn có Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Intresco (ITC), Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Khang An… cũng bị thua lỗ nhẹ trong quý I.
Tương tự, nhiều đại gia trong giới BĐS như Quốc Cường Gia Lai (QCG), Sacomreal (SCR), Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), Nhà Từ Liêm (NTL), Năm bảy bảy (NBB) chỉ có lợi nhuận ở mức tượng trưng một vài tỷ đồng trên số vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài, cổ phiếu của các doanh nghiệp này đã bị đưa vào diện cảnh báo, bị kiểm soát, và nay lại nằm trong danh sách bị nợ thuế.
Theo Bộ Tài chính, đây đều là những doanh nghiệp có số nợ thuế lớn và nợ quá 121 ngày, cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thực tế "đắng lòng" trên trái ngược với những tuyên bố lạc quan về thị trường BĐS trước đó.
Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, phát sóng tối 12/7 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định thị trường BĐS có những dấu hiệu hồi phục, giao dịch nhiều.
Lý giải về sự phục hồi này, Bộ trưởng Dũng cho rằng đây là kết quả của việc “gắn phá băng thị trường với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia”.
Trước đó, báo cáo về thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2015, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng đánh giá, theo đà hồi phục từ năm 2014, thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục khởi sắc.
Niềm tin của người mua nhà vào thị trường đã dần được khôi phục.
Các kênh đầu tư khác như: Gửi tiết kiệm, đầu tư vào vàng… đang kém hấp dẫn, đã đưa một số các nhà đầu tư trở lại thị trường BĐS.
Giao dịch trên thị trường BĐS sôi động tại các phân khúc: Căn hộ diện tích nhỏ, các dự án có vị trí tốt dễ cho thuê, dự án của các chủ đầu tư uy tín, triển khai đúng tiến độ...
Theo đó, lượng giao dịch thành công liên tục tăng từ đầu năm đến nay và đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM, lượng giao dịch thành công đã tăng từ 2,5-2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo một báo cáo khác từ Bộ Xây dựng, tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống.
Trong đó, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS tính đến hết ngày 31/3/2015 là 333.701 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31/12/2014.
Đặc biệt, dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực xây dựng và BĐS cũng tăng mạnh.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trên phạm vi cả nước, trong năm tháng đầu năm 2015, lĩnh vực BĐS đã thu hút hơn 461 triệu USD vốn FDI.