Sống chung với rắn hổ mang, thu gần 10 tỷ mỗi năm

Kiều Linh |

Với 3 trang trại nuôi ngót nghét gần 10.000 con rắn hổ mang, rắn ráo trâu, mỗi năm gia đình ông Vũ Mạnh Hùng (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ) thu về xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Thu tiền tỷ từ nuôi rắn hổ mang

Chúng tôi về làng Vĩnh Sơn mùa rắn sinh nở. Tiếng thở phì phò của những con rắn cái cất ra từ hang ổ nghe sợ đến rùng mình.

Người thợ “chăn” rắn tại đây cảnh báo rằng: “Rắn mùa này hung tợn, chỉ cần mạnh tay một chút sẽ bị cắn.

Từ ngày làng Vĩnh Sơn làm nghề nuôi rắn, dễ phải chết đến mươi người rồi. Còn lại rắn cắn cụt tay, đứt chân là chuyện thường, hầu như ai cũng bị...”.

Cái nghề sống chung với “tử thần” nguy hiểm là thế song đã mang lại cho người dân nơi đây một cuộc sống sung túc, giàu sang.

Điển hình là ông Vũ Mạnh Hùng (thôn 4, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) - người nuôi rắn nhiều nhất làng, được phong “chức hàm” nghệ nhân, dân trong làng còn gọi ông bằng cái tên thân thiết “vua rắn”.

Ông Vũ Mạnh Hùng thu nhập gần 10 tỷ mỗi năm nhờ nuôi rắn

Ông Vũ Mạnh Hùng thu nhập gần 10 tỷ mỗi năm nhờ nuôi rắn

Vợ ông Hùng, bà Mai kể, tốt nghiệp trường Trung cấp Mỏ - Địa chất, ông Hùng về làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phú, song lương thấp, năm 1993, ông xin nghỉ về nhà nuôi rắn.

“Thời gian đầu, với số vốn ít ỏi trong tay, hai vợ chồng tôi mua một con rắn về nuôi gây giống bán được 500.000 đồng.

Năm sau đó mua thêm 8 con rắn với giá 800.000 đồng về gây giống, cuối năm bán được 20.000.000 đồng.

Sang năm sau, tôi lấy toàn số tiền bán được mua thêm giống, cứ nhân dần lên, lãi năm sau cao hơn năm trước, gấp đôi, gấp ba lần”- bà Mai cho biết.

Năm 2006, ông Hùng quyết định thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại rắn Vĩnh Sơn chuyên thu mua, chế biến nhiều loại sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường, mở rộng mô hình chăn nuôi.

Trong ngôi nhà bốn tầng khang trang, bề thế nằm giữa trung tâm xã Vĩnh Sơn, ông Hùng vừa dùng để ở, vừa làm “sàn giao dịch” rắn.

Những bình rượu rắn to nhỏ, từ 5 lít đến 10 lít, 20 lít được bày trí gọn gàng trên kệ. Xen lẫn rượu rắn là bình rượu tắc kè, cao rắn hổ mang...

Ông Hùng nhẩm tính, chỉ riêng chiếc kệ để trưng bày sản phẩm với khoảng 50 bình lớn, nhỏ khác nhau của cửa hàng nhà ông cũng có giá trị lên đến 300.000.000 – 400.000.000 triệu đồng.

Ngoài ra, với 3 trang trại, mỗi trại chứa khoảng 3.000 - 4.000 rắn, vừa rắn giống, vừa rắn thực phẩm, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập về gần 10 tỷ đồng.

Cứ trung bình 5-6kg thức ăn thì được 1kg rắn. Thức ăn là cổ gà có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, trừ cả chi phí thuốc thang, công thuê người chăm sóc thì mỗi một cân rắn 700.000 đồng thì lợi nhuận thu về 300.000 - 400.000 đồng/kg, ông tính.

Tức là doanh thu 10 tỷ đồng nhưng gia đình ông thu về lợi nhuận vào khoảng 50%.

Trừ chi phí thức ăn, thuốc thang, công người chăm sóc, mỗi năm ông Hùng thu về vài tỷ đồng

Trừ chi phí thức ăn, thuốc thang, công người chăm sóc, mỗi năm ông Hùng thu về vài tỷ đồng

“Nhờ nghề nuôi rắn mà cuộc sống gia đình cũng khá hơn rất nhiều, không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ dân ở đây cũng thế. Cứ để ý đến nhà nào to nhất thì tức là nhà đó nuôi nhiều rắn.

Trước đây nuôi ít, tôi toàn tự tay cho rắn ăn, bị cắn suốt nhưng giờ mình có tiền, có điều kiện thuê người về chăm sóc cho an toàn.

Hiện nay, nhà tôi đang thuê 3 nhân viên, lương mỗi người gần 4.000.000 đồng/tháng.

Ngoài 2 trang trại ở làng, gia đình tôi cùng một người anh ở trong Tiền Giang mở một trang trại trong đó nuôi gần 4.000 con”, bà Mai phấn khởi nói.

Doanh thu cao nhưng vẫn buồn vì rớt giá

Ông Hùng cho biết, vào khoảng những năm 2010 trở lại, thương lái Trung Quốc ồ ạt tìm sang Vĩnh Sơn thu mua, có thời cao điểm rắn thương phẩm bán 1.500.000 đồng/kg; trứng rắn 300.000 – 400.000 đồng/quả.

Thế nhưng, từ năm 2013 trở lại đây, giá bán đã giảm xuống chỉ còn 500.000 – 600.000 đồng/kg rắn, 80.000 – 90.000 đồng/quả trứng. Thời điểm giá cao nhất cũng chỉ được 700.000 đồng/kg rắn.

Nguyên nhân theo ông Hùng một phần do người dân thấy rắn có lợi nhuận cao nên đổ xô nuôi, cung vượt quá cầu dẫn đến bị thương lái ép giá.

“Hiện nay rắn của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất sang Trung Quốc, họ dùng để ăn, làm thuốc đông y.

Ở Việt Nam sản lượng bán ra chỉ chiếm 1%, chủ yếu là cung cấp cho nhà hàng, bán rắn làm giống hoặc người dân mua rượu rắn biếu sếp dịp lễ, tết.

Mình thu mua rồi vận chuyển sang đó, để lâu trên xe không bán là rắn chết nên rẻ cũng phải bán. Nói chung làm nghề này phải có bạn hàng truyền thống thì mới làm ăn lâu dài được”, ông Hùng nói.

Nhiều người dân làng Vĩnh Sơn quen với việc bị rắn cắn

Nhiều người dân làng Vĩnh Sơn quen với việc bị rắn cắn

Theo ông Hùng, để nuôi rắn lớn nhanh và sinh sản tốt cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn thức ăn đến cách chăm sóc, theo dõi bệnh.

Trước đây thức ăn cho rắn chủ yếu là chuột, nhái nhưng hàng hiếm, giá lại đắt, dinh dưỡng không cao, ông Hùng chuyển sang đầu tư kho lạnh thu mua gà con từ trang trại nuôi gà hay cổ gà.

Còn đối với rắn bị bệnh,ông Hùng lấy con bệnh mang đi gửi các viện chăn nuôi nghiên cứu, phân tích rồi tìm ra bệnh, chế biến thuốc, đem về trộn lẫn cùng thức ăn cho rắn.

Vừa chỉ vào ngón tay bị sẹo do rắn cắn, ông Hùng vừa nói: "Nghề nuôi rắn cho lợi nhuận cao, bệnh tật ít nhưng rủi ro rất cao, chỉ sơ xuất một chút là bị cắn, thậm chí không ít người phải trả giá bằng cả tính mạng của mình”.

Chủ tịch làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn
Hà Văn Quảng
Hiện nay, xã Vĩnh Sơn có khoảng 700 hộ nuôi rắn, hộ nuôi nhiều là vài nghìn con, nuôi ít là vài trăm con. Thị trường tiêu thụ rắn Vĩnh Sơn chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Trung bình mỗi năm Vĩnh Sơn xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 tấn rắn thực phẩm. Tính rắn thực phẩm, rượu rắn... mỗi năm tổng thu nhập từ ngành này khoảng 150 tỷ đồng. Gia đình ông Vũ Mạnh Hùng là một trong những người nuôi nhiều rắn nhất nên có thu nhập tương đối cao, khoảng gần 10 tỷ, còn lại là hộ những nuôi ít, có hộ chỉ 100 trăm con.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại