Các hãng taxi cho rằng nhờ lợi thế do cạnh tranh không lành mạnh, trái pháp luật nên Uber/Grap taxi có thể phát triển mạnh khiến cho các hãng taxi truyền thống gặp khó khăn lớn trong hoạt động kinh doanh...
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, Uber và Grap taxi có nguồn gốc khác nhau, một ở Hoa Kỳ, một ở Malaysia. Hiện cả hai đều đang hoạt động ở một số thành phố của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.
“Một điểm đáng lưu ý của phương thức hoạt động này là các xe ô tô kinh doanh chở khách khi sử dụng phần mềm Grab/Uber đều có thể không cần phù hiệu, logo của hãng và đồng hồ tính cước như taxi truyền thông, nó có vẻ ngoài trông giống như một chiếc xe ô tô không tham gia kinh doanh vận tải hành khác”, ông Quân nói.
Theo vị Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, thời gian qua, cả Uber taxi và Grab taxi đều thực hiện việc khuyến mại cho lái xe, giảm giá cước cho hành khách nhằm quảng cáo thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình nên đã và đang gây nên những xáo trộn nhất định cho thị trường taxi truyền thống.
"Về bản chất, các công ty Grab taxi và Uber taxi không cung cấp dịch vụ vận tải và theo quy định của pháp luật họ cũng không được phép cung cấp dịch vụ này, họ chỉ tạo ra nền tảng để cung cấp dịch vụ vận tải và bên sử dụng dịch vụ vận tải gặp nhau.
Như vậy, xét ở khía cạnh pháp lý các công ty này đang vi phạm pháp luật của Việt Nam", Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp taxi trong nước lo ngại, sự cạnh tranh không lành mạnh của Uber và Grap sẽ gây khó khăn cho taxi truyền thống. Ảnh: Tuấn Minh
“Thực chất việc kinh doanh dịch vụ “taxi” sử dụng phần mềm kiểu Grab/Uber không tạo ra thị trường mới, mà chỉ đơn giản là giành lấy thị phần từ thị trường hiện có của các hãng taxi truyền thống đã có sẵn ở Việt Nam.
Không những thế loại hình này còn có nguy cơ gây nhiễu thị trường với mức độ khó lường”, ông Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận xét.
Đại diện các hãng taxi cũng cho rằng, nhờ có những lợi thế do cạnh tranh không lành mạnh, trái pháp luật nên hiện thời loại hình dịch vụ này có thể phát triển mạnh và khiến cho các hãng taxi truyền thống gặp khó khăn lớn trong hoạt động kinh doanh, thậm chí dẫn đến phá sản, đẩy nhiều lao động là lái xe taxi đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Ngoài ra, theo đánh giá, thời gian qua, do hình thức taxi này chưa được quản lý kịp thời và chặt chẽ nên đã tạo ra trong xã hội một phong trào tự phát cá nhân mua một lúc nhiều xe rồi thuê người lái để hành nghề taxi gây ùn tắc giao thông.
“Căn cứ pháp luật hiện hành, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẩn trương kiểm tra, phát hiện, xử lý và xử phạt những đơn vị, tổ chức, cá nhân lợi dụng phần mềm kiểu Grab/Uber để kinh doanh trái pháp luật”, đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội kiến nghị.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Trần Đức Trí, đại diện hãng taxi Thanh Nga cho rằng, giá cước của Uber và Grap không hãng nào có thể trả kịp cho dù có áp dụng công nghệ. Vì sao taxi của hai hãng này có mức cước 6000 đồng?
“Grap hỗ trợ cho tài xế từ 40-70.000 một cuốc xe. Việc hỗ trợ này nhằm thôn tính taxi truyền thống. Tuy nhiên, ngày 6/10 vừa qua, khi Grap không hỗ trợ nữa thì không tài xế nào đón khách”, ông Trí cho biết.
Ông Trí cũng cảnh báo, khách hàng khi sử dụng ứng dụng này phải khai báo ít nhất số điện thoại. Đợt vừa rồi có ít nhất một khách hàng về thái độ của hãng sau đó hãng cắt mã. Tuy nhiên, lái xe biết số điện thoại của khách hàng nên đã bị nhắn tin đe dọa.
Còn đại diện hãng Vic taxi thì cho biết, sở dĩ Uber và Grab taxi rẻ hơn taxi truyền thống vì không phải thực hiện trang phục cho nhân viên, không phải phát thẻ, không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lái xe, không phải chịu trách nhiệm trước khách hàng…
“Chúng tôi kiến nhà nước làm rõ Uber và Grap taxi là đơn vị kinh doanh vận tải hay cung ứng công nghệ thông tin. Để việc cạnh tranh lành mạnh, kiến nghị nhà nước đưa vào hoạt động như taxi truyền thống để tạo sự công bằng”, đại diện Vic taxi nói.