Ngày hôm qua, thông tin về việc Sharp đồng ý “bán mình” cho công ty Foxconn Technology của Đài Loan với giá 700 tỷ Yên (6,2 tỷ USD) đã lan tràn trên khắp các mặt báo.
Đây thực tế là thông tin không mấy ngạc nhiên khi trước đó, hội đồng quản trị của Sharp đã tuyên bố trao quyền đàm phán ưu tiên cho phía Foxconn thay vì chấp nhận kế hoạch giải cứu của một quỹ đầu tư do chính phủ Nhật Bản "chống lưng".
Tuy nhiên trong một diễn biến đầy bất ngờ vào cuối ngày hôm qua, Foxconn bất ngờ tuyên bố ngưng việc mua lại Sharp.
Cụ thể trong thông cáo báo chí được gửi đi, Foxconn cho biết sẽ tạm hoãn thương vụ này bởi hãng vừa biết thêm một số thông tin mới "đáng ngạc nhiên" chưa từng được phía Sharp công bố.
Những thông tin “đáng ngạc nhiên” kể trên được tiết lộ là danh sách 100 khoản nợ tiềm tàng - hay những rủi ro tài chính trong tương lai của Sharp.
Tổng giá trị khoản nợ này lên tới 350 tỷ Yên, tương đương với 3,1 tỷ USD.
Nếu thâu tóm Sharp, dĩ nhiên Foxconn sẽ phải gánh thêm khoản nợ này.
Trước diễn biến đó, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tỏ ra lo lắng cho tương lai đầy bấp bênh của Sharp. Thực tế trong nhiều năm trở lại đây, tập đoàn 100 tuổi này đã phải “chật vật” sinh tồn.
Từ “tượng đài”...
Còn nhớ vào những năm 2000, Sharp bắt đầu tấn công vào thị trường sản xuất màn hình LCD và gặt hái những thành công rực rỡ.
Ban đầu là thương vụ đầu tư 6,6 tỷ USD cho nhà máy sản xuất màn hình LCD tại thành phố Kameyama, Nhật Bản.
Sau đó, công ty này tiếp tục bỏ ra 5 tỷ USD để xây dựng một nhà máy khác tại Sakai trên diện tích 14,4 hecta và đây được xem là một trong những nhà máy sản xuất màn hình LCD tiên tiến nhất thế giới vào thời điểm đó.
Bên cạnh sản xuất màn hình LCD, các sản phẩm điện tử khác của Sharp như tủ lạnh, lò vi sóng, máy giặt cũng được xem là biểu tượng cho thương hiệu Nhật Bản hàng đầu và được phân phối tới 164 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.
Tính đến năm 2003, doanh số bán hàng của công ty đạt 16,8 tỷ USD, tổng số nhân viên trên toàn thế giới là 46.600 người.
Thậm chí tên tuổi của Sharp tại Anh còn được đặc biệt chú ý khi trong giai đoạn từ 1982 tới 2000 họ đã tài trợ cho đội bóng Manchester United và đây cũng là giai đoạn thành công nhất của CLB này.
... đến gã khổng lồ tiều tụy, thoi thóp
Tình hình trở nên xấu đi kể từ năm 2008 khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra. Cùng lúc này, thị trường cũng bắt đầu rục rịch chuyển sang ti vi kỹ thuật số khiến nhu cầu về màn hình LCD sụt giảm mạnh.
Những con số trong báo cáo tài chính mà Sharp công bố luôn khiến các lãnh đạo tập đoàn này đau đầu. Năm 2011, Sharp lỗ 1,4 tỷ USD.
Đến năm 2012 khi công ty tròn 100 tuổi, nguyên trong quý I, Sharp lỗ tới 1,2 tỷ USD. Tổng số lỗ cả năm này là 4,7 tỷ USD, mức lỗ cao kỷ lục trong lịch sử công ty.
Chính bản thân Sharp cũng nói rằng không đảm bảo về số phận của chính mình. Tồi tệ hơn nữa khi hãng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá nợ của Sharp xuống mức "rác".
Cũng do thua lỗ triền miên, tập đoàn này buộc phải cắt giảm nhân sự.
Cụ thể trong năm 2012, Sharp kêu gọi hơn 50.000 nhân viên nghỉ hưu tự nguyện đồng thời cắt giảm lương của các nhân viên hiện tại. Thậm chí, tập đoàn này còn phải bán và thế chấp tài sản cho các khoản vay.
Năm 2014 tình hình cũng không khá hơn khi công ty này tuyên bố lỗ 30 tỷ yên, lỗ năm thứ 3 liên tiếp.
Ngày 2/11/2015, giá cổ phiếu của Sharp đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 50 năm sau khi công ty cho biết họ đang phải gánh khoản lỗ ròng 83,6 tỷ yen (tương đương 681 triệu USD) riêng trong nửa giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 9.
Trước những khó khăn mà tập đoàn này gặp phải, chính phủ Nhật Bản đã hơn 1 lần tung ra biện pháp cứu trợ.
Tháng 5/2015, báo chí Nhật Bản đưa tin Sharp đã nhận được gói cứu trợ của 2 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là Mizuho và Tokyo Mitsubishi tuy nhiên số tiền chi tiết không được tiết lộ.
Gói cứu trợ của ngân hàng không hề giúp ích cho việc cải thiện chiến lược hoạt động của Sharp – các nhà quản lý của công ty cố gắng "cầm chừng" và duy trì tình trạng này lâu nhất có thể.
Một lần nữa, chính phủ Nhật Bản lại bày tỏ sự tiếc nuối đối với biểu tượng thương hiệu một thời Sharp vì vậy họ đề nghị gói cứu trợ trị giá tới 1,7 tỷ USD thông qua việc sáp nhập công ty này vào một tập đoàn điện tử của chính phủ.
Với những động thái đó, có không ít chuyên gia lên tiếng chỉ trích và cho rằng chính phủ Nhật đã quá “nuông chiều” đứa con Sharp.
Tuy nhiên, thay vì chấp nhận lời đề nghị giải cứu từ chính phủ, hội đồng quản trị của Sharp lại tỏ ra thích thú với lời đề nghị mua lại từ tập đoàn Đài Loan là Foxconn.
Không khó hiểu cho quyết định này bởi con số được phía Foxconn đưa ra là 6,2 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với gói cứu trợ từ chính phủ Nhật Bản.
Tưởng rằng số phận của Sharp đã sớm được định đoạt nhưng trong một diễn biến đầy bất ngờ, những khoản thua lỗ khổng lồ được phát hiện vào phút chót của Sharp đã khiến tập đoàn Foxconn “chùn chân”.
Họ quyết định trì hoãn thương vụ này để cân nhắc thêm.
Câu hỏi đặt ra lúc này là tương lai của Sharp sẽ đi về đâu, tiếp tục kinh doanh trong thua lỗ cũng không được mà bán mình cũng chẳng xong. Tương lai của Sharp đang ở điểm bấp bênh hơn bao giờ hết.