Hàng loạt lãnh đạo ngân hàng bị bắt, khởi tố vì có các dấu hiệu vi phạm liên quan đến hoạt động cho vay, gây tổn thất số tiền lớn. Thực tế, chuyện xử lý hình sự sếp ngân hàng ngày càng nhiều đã hé lộ nhiều chuyện phực tạp trong kinh doanh ngân hàng. Vì thế, cứ thấy sếp ‘xộ khám’ nhiều thì các nhân viên cũng giật mình, run tay khi ký hồ sơ các khoản cho vay.
Đại án tham nhũng: ngân hàng đứng đầu
Thông tin bắt hàng loạt cán bộ là lãnh đạo ngân hàng đầu tháng 9 gây rúng động dư luận. Tuy nhiên, nếu nhìn lại, nhiều người sẽ thấy đấy không phải là chuyện hiếm gắp, nếu không muốn nói là nhiều, thể hiện sự phức tạp của tình hình hoạt động trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay.
Mới đây, khi làm việc với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu lên 10 "đại án" tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thì có tới 8 vụ liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Nếu kể thêm những vụ việc lẻ tẻ, được các cơ quan pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố nữa thì con số chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều.
Theo các luật sư, "Bộ luật hình sự năm 1999 đã dành hẳn điều 179 về vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng để điều chỉnh, xử lý các hành vi làm trái quy định trong hoạt động tín dụng.
Thời gian vừa qua, các cơ quan pháp luật cũng sử dụng tội danh này để truy cứu trách nhiệm hình sự của nhiều các cán bộ tín dụng về các hành vi vi phạm, không tuân thủ quy định trong hoạt động thẩm định, giải ngân, cho vay.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều cán bộ còn bị xử lý với các tội danh tham ô, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hay cố ý làm trái". Cũng theo các luật sư, nhóm các cán bộ có mức độ bị xử lý cao nhất thường tập trung vào khối hoạt động tác nghiệp tín dụng vì đây là bộ phận nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực nhất.
Tuy nhiên, về phía các ngân hàng, các lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng phải xử lý nghiêm và ngân hàng không bao che. "Một đồng cũng là tiền của cổ đông. Anh được giao nhiệm vụ, được tổng giám đốc ủy quyền phán quyết bằng văn bản thì anh làm sai phải chịu trách nhiệm", một lãnh đạo khối Quản trị rủi ro một NHTM chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như vậy vì tâm lý e ngại. Nhiều cán bộ cho rằng, các ngân hàng thương mại cũng là các đơn vị làm ăn, buôn bán nên rất sợ bị các cơ quan pháp luật "sờ vào". Nếu có vi phạm thì các ngân hàng thường điều chuyển các cán bộ có liên quan về bộ phận xử lý nợ, tập trung thu hồi nợ xấu trước, cùng lắm mới nhờ đến các cơ quan pháp luật xử lý.
Có lẽ vậy, mới có chuyện "đình đám" như Tổng Giám đốc cũng thành chuyên viên xử lý nợ.
Sếp vào tù, nhân viên run rẩy
Qua các vụ việc xử lý hình sự đối với cán bộ, đặc biệt với các cán bộ tín dụng, chúng ta có thể thấy được những mặt trái của nghề tín dụng.
"Vất vả khó nhọc" là nhận xét chung của nhiều cán bộ tín dụng. Một nữ cán bộ tín dụng chia sẻ chị đã từng phải một mình đi lại giữa Hà Nội Lạng Sơn nhiều lần để xử lý vụ việc liên quan đến khách hàng có dấu hiệu cố tình lừa đảo hay những cán bộ tín dụng cá nhân ở miền Tây đi xa 60 - 70 km, vào đi xuồng vào tận ruộng để cho vay.
Tuy nhiên, tín dụng cũng là nghề chứa đựng nhiều rủi ro. "Cũng là kinh doanh, nhưng cán bộ các ngành khác, bán được hàng là xong, doanh số khẳng định luôn. Nhưng cán bộ tín dụng thì còn trách nhiệm, cho đến khi thu hồi được món nợ đó mới gọi là an toàn".
Điều này minh chứng cho nguyên tắc cơ bản là cán bộ tín dụng phải chịu trách nhiệm đến cùng cho các khỏan vay mình đã tham gia cho vay. Nếu phát sinh nợ xấu, cán bộ tín dụng cũng sẽ phải là người trực tiếp xử lý đầu tiên, và theo đến cùng.
"Đừng nghĩ anh có thể thôi việc là xong, nếu có nợ xấu, các ngân hàng sẽ có công văn gửi đến tận nơi yêu cầu anh quay về tham gia xử lý"- Một chuyên viên QHKH khác chia sẻ.
Hơn hết, điều mà các cán bộ tín dụng sợ nhất là bị đẩy vào tình huống nhạy cảm, bị ép nhận, làm các bộ hồ sơ cho vay, có thể tốt, có thể xấu. Nếu hồ sơ xấu thì cán bộ nào có bản lĩnh mới dám từ chối, còn không thì sẽ chấp nhận làm, chấp nhận ký và "tùy thuộc vào tương lai".
Một cán bộ tín dụng chia sẻ thêm "Nhiều người sẽ nghĩ làm tín dụng sẽ được nhiều màu mè, bổng lộc, nhưng điều này cũng tùy người, và tùy vào vị trí. Đối với các NHTMCP thì doanh số bị ép nặng nề nên việc kiếm được khách hàng cho vay đã rất may mắn".
Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Pháp chế một ngân hàng cho biết, nếu có rủi ro thì bản thân các đơn vị chức năng của ngân hàng cũng sẽ rà soát, nếu cán bộ cố tình làm sai mới bị xử lý trách nhiệm, còn nếu làm đúng theo nguyên tắc, quy trình thì là rủi ro cần phải chấp nhận.
Qua những vụ việc gần đây là hồi chuông cảnh báo một lần nữa cho các ngân hàng phải tự chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, giáo dục đạo đức cho cán bộ nhân viên. Rất khó chấp nhận chuyện khi mà một ngân hàng mang tiền của nhà nước đi kinh doanh mà trong 10 vụ "đại án" tham nhũng phức tạp, kéo dài có đến ngân hàng này.