Hoạt động kinh doanh không tốt với lợi nhuận trước thuế hơn 1.042 tỷ đồng, sau thuế gần 785 tỷ đồng, song thu nhập bình quân nhân viên ACB vẫn khá trong năm 2012. Quỹ lương thưởng tăng so với 2011, song số nhân sự cũng tăng gần 1.700 người, nên lương bình quân nhân viên ACB là 13,3 triệu đồng/tháng, còn tổng thu nhập bình quân là 14,08 triệu đồng. Năm 2011, lương bình quân nhân viên ACB là 13,58 triệu đồng, tổng thu nhập 14,25 triệu đồng/tháng.
Với các lãnh đạo, năm 2012, thu nhập ban tổng giám đốc và thù lao HĐQT, ban kiểm soát đều tăng. Ban tổng giám đốc nhận về 23,5 tỷ đồng, tương đương gần 200 triệu đồng/tháng bình quân (tính cả nhân sự cũ đã từ nhiệm là ông Lý Xuân Hải), còn các thành viên HĐQT nhận 14,3 tỷ thù lao, cao gấp đôi 2011, tương đương 62,7 triệu đồng/tháng/người (tính cả thành viên đã từ nhiệm). Thông tin trên được công bố trước khi đại hội cổ đông của ACB sẽ diễn ra vào ngày 25/4 sắp tới.
Hai trong số những thông tin quan trọng khác của ACB trong năm 2012 liên quan đến khoản tín dụng cấp cho Vinalines và 6 công ty của Nguyễn Đức Kiên, bên cạnh khoản tiền liên quan tới vụ ủy thác đầu tư với “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như khiến nhiều lãnh đạo ACB bị mất chức.
Theo số liệu tại báo cáo tài chính năm 2012, nợ cần chú ý của ACB trong năm 2012 đã tăng từ hơn 326 tỷ đồng lên trên 5.400 tỷ. Trong số này, có hơn 853 tỷ đồng cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và một trong các công ty con của tập đoàn này. Trong số dư hơn 853 tỷ đồng, có hơn 746 tỷ là cho vay để mua và đóng tàu biển, còn hơn 106 tỷ đồng tài trợ vốn lưu động.
Số còn lại trong dư nợ hơn 5.400 tỷ đồng là 3.511 tỷ ACB đã cho 6 công ty của Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) vay. Tại 6 công ty này, bầu Kiên đóng vai trò là chủ tịch hoặc thành viên HĐQT. Giao dịch và số dư liên quan đến một công ty trong số 6 đơn vị này bị điều tra từ tháng 8/2012 đang được cơ quan chức năng tìm kiếm thông tin.