Sẽ thành lập công ty xử lý nợ xấu trong Quý 2

Kim Chi |

(Soha.vn) - VAMC sẽ đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khó khăn tài chính tạm thời... Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Bộ Chính trị và Chính phủ. Theo đó VAMC sẽ được phê duyệt trong tháng 5/2013 và có thể được thành lập và đi vào hoạt động ngay trong quý II/2013.

Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN, Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC mà NHNN đang trình Chính phủ có quy định, doanh nghiệp có khoản nợ được bán cho VAMC sẽ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. VAMC sẽ giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán cho doanh nghiệp có khoản nợ được bán cho VAMC.

VAMC sẽ đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khó khăn tài chính tạm thời... Các doanh nghiệp có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, VAMC với các cơ chế hoạt động, các quyền đặc thù cùng với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý, chính sách thuế,… cho doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản đảm bảo cho TCTD, VAMC xử lý nợ và tài sản bảo đảm đã mua. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ được quyền tham gia vào quá trình này theo nguyên tắc thị trường dưới hình thức bán đấu giá.

VAMC là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vốn điều lệ của VAMC được cấp từ nguồn vốn hợp pháp của NHNN.

Về cơ chế xử lý nợ, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các tổ chức tín dụng. Do vậy, dự kiến mức vốn điều lệ ban đầu của VAMC là 500 tỷ đồng. Tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại NHNN.

Sẽ thành lập công ty xử lý nợ xấu trong Quý 2
 

Bên cạnh đó, bàn về vấn đề nợ xấu, NHNN cho biết, trong năm 2012 theo báo cáo của 58 TCTD trong nước, tổng nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro là 22,52 nghìn tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2013, tổng số nợ xấu đã được xử lý là 5,48 nghìn tỷ đồng; trong đó khối NHTM Nhà nước xử lý được 3,7 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, dự phòng rủi ro tín dụng còn lại của TCTD cũng tăng từ mức 64,2 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2012 lên mức 68,5 nghìn tỷ đồng cuối tháng 3/2013, tạo nguồn quan trọng để các TCTD chủ động xử lý nợ xấu.

Trong năm 2013, áp lực gia tăng nợ xấu vẫn rất lớn và có thể vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, nợ xấu của hệ thống vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN. Với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các công cụ, các giải pháp xử lý nợ xấu được nêu tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, NHNN tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào cuối năm 2015.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại