Mục tiêu tối thượng là quyền lợi của Nhà nước
Bắt đầu một mùa đại hội cổ đông mới, SCIC nói gì về những lùm xùm xung quanh việc thay người đại diện tại đại hội cổ đông một số doanh nghiệp (DN) lớn ví như Traphaco, hay Vinamilk trước đây?
Với tư cách là người đại diện phần vốn Nhà nước, chúng tôi luôn muốn cùng các cổ đông khác trao đổi để hài hoà đạt mục tiêu.
Cũng không loại trừ tình huống không thống nhất nhưng trong những trường hợp đó, tôi khẳng định SCIC không có cách nào phải đảm bảo mục tiêu tối thượng quyền lợi của Nhà nước.
Về phản ánh dư luận cho rằng, SCIC chưa chia sẻ về nhân sự tại các DN cụ thể là làm chưa được tốt, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm lắng nghe và tiếp thu nếu đúng.
Tuy nhiên cần nhìn nhận công bằng về những gì SCIC đã làm.
Ví như Vinaconex khi tái cấu trúc SCIC phải xắn tay vào làm kể cả tái cấu trúc thậm chí rót vốn để từ DN “ốm” nay đã “hồi sinh” trở lại.
Hay đơn cử như dự án thép Thái Nguyên vô cùng khó khăn nhất là dự án giai đoạn 2; thường trực Chính phủ phải họp (không dưới chục lần) cuối cùng SCIC phải cử cán bộ lên đó nắm bắt, sau đó cử người vào rà soát đổi mới; làm rõ những vấn đề của dự án rồi báo cáo Thủ tướng và Bộ Công thương; sau khi SCIC vào chỉ mới một năm kết quả kinh doanh đã khác hẳn...
Nhiều năm nay khi SCIC tham gia vào HĐQT các DN cổ phần mà gốc của DNNN cổ đông họ rất kỳ vọng việc SCIC tham gia vào quản trị DN. Sự chuẩn bị của SCIC thế nào?
Không phải đại hội cổ đông năm nay SCIC mới tham gia quản trị DN, ngay từ khi nhận thì SCIC đã cùng với các DN bàn và làm với một tinh thần phối hợp với quản trị tiên tiến; SCIC đã phối hợp với JiCa để xây dựng sổ tay người đại diện vốn.
Đối với những DN lớn, phối hợp, giới thiệu các tổ chức tư vấn về quản trị DN.
Còn đại hội hàng năm hay của những năm tiếp theo để cùng với các DN khắc phục điểm yếu.
Ví dụ cách đây mấy ngày SCIC vừa tham gia tiếp nhận vốn của công ty Thăng Long của Bộ GTVT chúng tôi đã có lịch ngồi làm ngay sao cho tròn trách nhiệm của một cổ đông Nhà nước.
Bán vốn theo nguyên tắc thị trường và được giá
Danh mục thoái vốn của SCIC nhiều người đã biết và Thủ tướng, Bộ Tài chính từng có lần “đốc thúc”. Vậy lộ trình thoái vốn của 10 DNNN lớn sẽ thế nào?
Khi chọn và cử người làm đại diện phần vốn tại DN, SCIC phải suy nghĩ rất kỹ về chọn người điều hành.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC
Đã là tổng công ty kinh doanh vốn phải làm sao để trách nhiệm vận hành DN khác với trước là không phải từ cơ quan chủ quản mà từ thị trường và từ kinh doanh.
Dưới góc độ tổng công ty thì lợi ích của Nhà nước là trên hết: nếu giữ mà tốt hơn thì chúng tôi sẽ xem xét lâu dài; phần vốn Nhà nước trong thị trường; khi nào chúng tôi đánh giá hiệu quả nhất thì chúng tôi sẽ bán.
Chúng tôi xác định chưa bán thì phải làm hết nguyên tắc thị trường.
Đã xảy ra nhiều lùm xùm thông tin về sự độc quyền của SCIC thường rơi vào những DN khủng như Vinamilk; Dược Hậu Giang, Traphaco... mà tâm điểm đều về việc thay người đại diện. SCIC nghĩ sao?
Cần phải nói rõ, có trường hợp thay thế người đại diện không phải vì người ta năng lực kém thậm chí rất nhiều người giỏi.
Tuy nhiên, ở đây có một quy định ( điều 20 khoản 4 nghị định 106 ký ngày 23/10/2015 của Chính phủ) đã nêu rõ về độ tuổi của người đại diện (còn trong công tác).
Nhiều trường hợp làm người đại diện vốn, SCIC rất muốn dùng nhưng đã quy định chúng tôi phải tuân theo.
Nói chung, khi chọn và cử người làm đại diện phần vốn tại DN, SCIC phải suy nghĩ rất kỹ về chọn người điều hành.
Quan trọng là chọn được người giỏi và thực sự đồng thời hướng tới mục tiêu vì DN.
Có những cổ đông của các quỹ tài chính khác nhau họ chỉ đầu tư ngắn hạn và muốn nhanh để quyết toán; trong khi SCIC thì muốn đi đường dài.
Nếu lợi ích không trùng khớp thì chúng tôi buộc phải chọn theo quy định pháp luật.
Cảm ơn ông.
Bật mí tiền thù lao và chi tiêu của SCIC
Năm 2015, lợi nhuận trước thuế của SCIC đạt 8.400 tỷ (tăng 46% so với năm trước do chênh lệch bán vốn cao; tiền thoái vốn nhiều).
Số tiền nằm trong “két” SCIC được phân bổ như sau: Quỹ đầu tư phát triển SCIC trên dưới 10.000 tỷ thực hiện đầu tư thông qua trái phiếu chính phủ;
Một phần gửi ngân hàng thu tiền lãi tiết kiệm (3 tháng đầu năm 2016 thu lãi 226 tỷ); phần còn lại để dành khi phát sinh như bắt buộc phải đầu tư.
Liên quan đến thu nhập “khủng”, thù lao của các thành viên SCIC khi có chân trong HĐQT các DN lớn, Phó tổng giám đốc SCIC - ông Lê Song Lai cho biết:
Việc dư luận bấy lâu cứ hiểu rằng số tiền đó sẽ vào túi các thành viên của SCIC là không chính xác.
“SCIC đang làm đúng theo quy định của Bộ Tài chính đó là “mở” một tài khoản chung và các DN chuyển thù lao vào đó.
Tổng thù lao thực thu năm 2015 về quỹ này của SCIC là 11,8 tỷ đồng được tính vào tổng doanh thu của SCIC trong đó các thành viên chỉ được hưởng ở một định mức khiêm tốn”, đại diện lãnh đạo SCIC nói.