Dư âm để lại của mùa báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 là sự sút giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong một bối cảnh khác, sự lao dốc của thị trường chứng khoán những năm qua khiến cổ đông khắt khe hơn với doanh nghiệp. Cổ đông "đòi" nhiều hơn cho khoản vốn đã bỏ ra để đầu tư. ĐHCĐ của nhiều doanh nghiệp chứng kiến những phen cãi vã theo đúng nghĩa đen của nó giữa cổ đông và lãnh đạo công ty về việc chi lương lãnh đạo.
Sau hàng loạt những chất vấn của cổ đông, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã chủ động đề nghị thu nhập 0 đồng nếu để công ty thua lỗ. Tất nhiên, đó chỉ là một số trường hợp, không đại diện cho phần đa. Tuy nhiên, như một luật bất thành văn, năm nay với tình hình kinh doanh không mấy khả quan, doanh nghiệp cũng đã giảm mạnh phần lương, thưởng cho những lãnh đạo cấp cao.
Lãi giảm, lương lãnh đạo cũng giảm theo
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom ( SAM ) là điển hình đầu tiên. Với lãi 6 tháng đạt 62 tỷ đồng tức chưa bằng phân nửa cùng kỳ, chi phí cho HĐQT, Ban kiểm soát, ban tổng giám đốc cũng giảm mạnh từ gần 2,6 tỷ đồng cùng kỳ còn 2,27 tỷ đồng 6 tháng năm 2013 tương đương mức giảm hơn 12%.
Tại Vĩnh Sơn Sông Hinh ( VSH ), nhiều năm ròng công ty vẫn vướng chuyện giá điện với EVN. Đến cuối tháng 6, giá điện vẫn chưa được chốt. So với cùng kỳ năm 2012, lợi nhuận của VSH giảm 40% còn gần 84 tỷ đồng. Nhìn BCTC của VSH có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm công ty làm được khá nhiều điều như thoái vốn thành công tại PPC, "đòi nợ" thành công EVN...nhưng lương, thưởng và các khoản thu nhập khác của ban giám đốc vẫn bị giảm 6,3% còn 920 triệu đồng.
Hay như tại doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản HU1 -Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD1, 6 tháng đầu năm công ty thua lỗ 282 triệu đồng trong khi cùng kỳ có lãi 23 tỷ đồng, việc chi lương cho ban lãnh đạo cũng giảm theo. Từ mức 603 triệu đồng cho kỳ 6 tháng năm 2012, công ty đã cắt giảm 6% còn 569 triệu đồng.
Một doanh nghiệp FDI là RIC cũng bị thua lỗ 2,77 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ lãi 7,5 tỷ đồng đã giảm lương lãnh đạo (ban giám đốc điều hành) từ 824 triệu đồng còn 784 triệu đồng tức gần 5%.
Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh tay cắt lương lãnh đạo như SZL giảm đáng kể thù lao HĐQT, thu nhập ban TGĐ từ mức 859 triệu đồng cùng kỳ còn 815 triệu đồng 6 tháng năm 2013. Hay, TET dù chưa từng phải gánh lỗ nhưng lãi 6 tháng đầu năm chỉ 3,5 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ. TET không những đã cắt giảm nhân viên từ 332 người đầu năm còn 300 người cuối quý 2 mà còn giảm mạnh lương lãnh đạo còn chưa đầy một nửa. Công ty cũng đang lên kế hoạch rục rịch bán công ty con là vải sợi may mặc miền bắc 2.
Hình minh họa
Tăng trưởng cũng giảm lương
Thoạt nghe như một nghịch lý, tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp, điều này hoàn toàn bình thường. Khó khăn vẫn còn ở phía trước nên nhiều doanh nghiệp dù đã có lãi tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn dùng chính sách "thắt lưng buộc bụng" cho kỳ sau.
Điển hình là ở doanh nghiệp thủy sản FMC , mức lãi 6 tháng đầu năm 2013 đạt 1,92 tỷ đồng đã tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 15,33 tỷ đồng cùng kỳ nhưng chi phí tiền lương, thù lao của HĐQT, BKS và ban Tổng giám đốc là 1,44 tỷ đồng, giảm 31% so với 6 tháng năm 2012.
Nhựa Bình Minh ( BMP ) dù có kỳ kinh doanh khả quan với lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 lên 196 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và EPS vẫn ở mức cao ngất ngưởng 4.307 đồng nhưng công ty đã mạnh tay giảm mạnh thu nhập ban lãnh đạo (Thành viên HĐQT và ban TGĐ). Tổng chi lương, thưởng và khoản phúc lợi khác 6 tháng năm 2013 đạt 5,66 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2012.
Số doanh nghiệp mạnh tay chi bạo lãnh đạo chỉ còn rất ít
Tại "đại gia" ngành dược DHG , dù cả tập đoàn chỉ giảm 6 nhân sự trong 6 tháng còn 2.758 người cuối quý 2 nhưng riêng công ty mẹ lại cắt giảm khá mạnh: từ 2.355 người đầu năm còn 2.190 người cuối quý 2. Kết quả lợi nhuận hợp nhất 6 tháng chỉ giảm gần 7% trong khi kết quả riêng công ty mẹ giảm hơn 9% so với cùng kỳ. Lương lãnh đạo tăng vụt từ 3,6 tỷ đồng cùng kỳ lên 5,6 tỷ đồng 6 tháng năm 2013 tương đương mức tăng gần 56%.
Dù cắt giảm khá nhiều nhân sự nhưng lương lãnh đạo SRF lại không hề giảm nếu không muốn nói là tăng mạnh. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 của công ty tăng 16% so với cùng kỳ và lương ban giám đốc tăng 24,6%. Những gì lãnh đạo SRF làm được cho công ty có lẽ cũng không nhỏ khi gọi được đối tác Nhật hợp tác chiến lược toàn diện cho công ty.
Với kết quả lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng trên 58% lên 34 tỷ đồng, OPC không những tuyển thêm 21 người nâng tổng số nhân viên lên 699 người mà còn tăng thu nhập cho HĐQT, Ban Tổng giám đốc và ban kiểm soát thêm gần 44% lên 4,17 tỷ đồng.
Chi mạnh tay cho lãnh đạo hay khắt khe chuyện lương bổng hay thậm chí tăng trưởng cũng giảm lương là tùy vào chính sách, tầm nhìn của từng doanh nghiệp. Khó để luận bàn chữ đúng-sai trong việc chi lương, chỉ có điều, giữ được người giỏi đưa được công ty qua thời điểm gian khó là điều doanh nghiệp cần làm.