Kho cổ vật 100 tỷ của đại gia Phú Yên
Căn nhà của ông Đoàn Phước Thuận (65 tuổi, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Chủ nhiệm CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên) như một bảo tàng mini trưng bày gần 1.000 hiện vật, trong đó nhiều nhất là đồ lam Huế.
Ông không những sưu tầm đầy đủ theo chủ đề, mà còn có những cổ vật thuộc hàng độc nhất vô nhị trong giới chơi cổ vật hiện nay.
Ông Thuận cho biết, hầu hết các món đồ cổ của ông đều được mua bằng vàng, có những món không dưới 10 lượng vàng.
Theo một số hội viên CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên, kho đồ cổ của ông Thuận có giá trị không dưới 100 tỷ đồng.
Trong đám cưới của con gái ông Thuận được tổ chức gần đây, toàn bộ chén, tô, dĩa đựng thức ăn dọn ra bàn đều bằng đồ cổ.
Hơn 500 khách đã phải run tay khi cầm đến những cái chén có giá không dưới 1 lượng vàng để dùng.
Hàng ngàn cổ vật trên tàu đắm ở Quảng Nam
Năm 2013, nhiều ngư dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam đã trục vớt được hàng ngàn cổ vật ở Rạn Nhọn, cách bờ khoảng 300m và khu vực Cửa Lở ở xã đảo Tam Hải.
Nhiều ngư dân cho biết chỉ cần lặn khoảng 30 phút, một thợ lặn có thể tìm thấy gần 10 hũ nhỏ bằng gốm hoặc ly, tách. Số cổ vật này được vớt lên ở khu vực có hai con tàu chìm.
Nhiều ngư dân ở xã Tam Hải cho biết, họ còn tìm thấy 2 mảnh gỗ nghi là thân tàu cổ.
Số cổ vật này gồm ly, tách trà, chén, đĩa, bình bằng gốm, sứ có hoa văn đẹp, tinh xảo, song vẫn chưa xác định được niên đại, xuất xứ.
Tuy nhiên, các chuyên gia khảo cổ cho rằng trong số cổ vật này có đĩa, bát gốm lên đến 800 tuổi.
Bí ẩn "nghĩa địa tàu cổ" ở vùng biển Bình Châu
Từ hơn 20 năm trước, ngư dân Quảng Ngãi đã phát hiện các tàu chứa "kho cổ vật" bị chìm ở vùng biển Bình Châu (huyện Bình Sơn).
Tất cả chúng đều có dấu hiệu bị cháy nham nhở và các nhà khoa học đến giờ vẫn chưa giải mã được.
Không chỉ phát hiện tàu chở gốm sứ cổ chìm đắm, nhiều ngư dân còn trục vớt được "kho tiền cổ", làm bằng đồng có lỗ vuông ở giữa và thuộc nhiều niên đại khác nhau, trên con tàu chìm ở vùng biển xã Bình Trị, cách bờ khoảng 500m
Gần 4 triệu USD từ việc đấu giá cổ vật tàu đắm ở Cà Mau
76.000 cổ vật gốm sứ Trung Quốc từ thế kỷ thứ 18 tìm thấy trong một chiếc tàu đắm ở vùng biển Cà Mau đã được đem bán đấu giá tại Trung tâm Đấu giá quốc tế Sotheby, Amsterdam, Hà Lan vào năm 2007.
Những đồ cổ quý hiếm, bao gồm chén, dĩa, hộp, bình, tượng..., đã mang về trên 3 triệu euro cho Việt Nam.
Những cổ vật này được ngư dân phát hiện vào năm 1998 tại khu vực có một chiếc tàu bị đắm ở vùng biển Cà Mau.
Chiếc tàu đã gặp nạn vào khoảng từ năm 1723 đến 1735 khi mang những đồ gốm sứ vào thời nhà Thanh sang bán tại châu Âu và Viễn Đông.
Kho báu triệu đô trong con tàu cổ Hòn Cau
Năm 1990, Bộ VH-TT chính thức cho phép khai quật kho báu Hòn Cau (thuộc vùng biển Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thu được 68.000 hiện vật, hầu hết là đồ gốm sứ: bình trà, bình bông, chóe, chén, dĩa...
Ngoài ra, còn thu được nhiều hiện vật bằng đá, đồng và hai khẩu súng thần công.
Kho báu được xác định là một chiếc tàu cổ khổng lồ đã bị chìm cách đó thế kỷ, trong chiếc tàu này đầy ắp những cổ vật quý giá. Số đồ cổ này có niên đại nửa sau thế kỉ XVII, thời vua Khang Hy (triều Thanh, TQ).
Gần 30.000 cổ vật tiêu biểu được đưa đi giám định và tổ chức đưa đi bán đấu giá ở Hà Lan, thu về hơn 6 triệu USD.
Kho báu huyền thoại dưới biển Cù Lao Chàm
Trên vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, quân đội Nhật Bản bị máy bay phe đồng minh bắn chìm 158 chiếc tàu, trong đó có 5 chiếc chở báu vật cướp được tại các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Có một thời vùng biển Cù Lao Chàm từng là tâm điểm thu hút các trùm buôn bán cổ vật xuyên quốc gia.
Vì dưới đáy biển ngoài khơi Cù Lao Chàm, trước khi có cuộc khai quật khảo cổ cấp quốc gia, con tàu cổ bị đắm chở đầy đồ gốm sứ Chu Đậu, Hải Dương.
Vào đầu thập niên 90, nhiều ngư dân các làng chài ven biển duyên hải miền Trung cũng đã lặn lấy được vô số cổ vật từ con tàu cổ này.
Cho đến nay, nơi vẫn thường xuyên tìm được các đồ cổ có giá trị và Cù Lao Chàm luôn tồn tại huyền thoại về những kho báu
10.000 cổ vật từ tàu cổ Hòn Dầm
Tàu cổ Hòn Dầm là con tàu được phát hiện rất sớm, từ trước 1975. Những năm 1990, 1991 rộ lên phong trào ngư dân đi săn tìm cổ vật, từ đó, các con tàu cổ dưới đáy đại dương mới thu hút sự quan tâm của công luận.
Tháng 5/1991, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định khai quật tàu cổ Hòn Dầm. Tàu ở độ sâu khoảng 10m. Tàu bằng gỗ còn khá nguyên vẹn, dài 30m, rộng 7m.
Hàng hóa trên tàu chủ yếu là gốm sứ men màu xanh ngọc và một số men khác như màu chì, màu da lươn, vàng, nâu… có xuất xứ từ Thái Lan, vào thế kỷ XV. Số lượng cổ vật 10.000 cái, với nhiều loại hình.