Phó Thống đốc: Cấm đưa tiền lẻ mới ra thị trường

Nguyễn Hoài |

“NHNN đã chỉ đạo quyết liệt không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng ra lưu thông trong dịp Tết. Phát hiện cán bộ nào vi phạm sẽ xử lý".

Thông tin này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú công bố tại họp báo về việc cung ứng tiền mặt, tiền mệnh giá nhỏ dịp Tết Ất Mùi 2015 diễn ra sáng 21/1.

Ngoài việc cấm đưa tiền mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng in mới vào lưu thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ không đưa vào lưu thông thêm loại tiền lẻ in mới mệnh giá 5.000 đồng dịp Tết Nguyên đán 2015.

Còn với những loại tiền mệnh giá cao hơn như 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng thì NHNN vẫn in mới và cung ứng lượng đủ.

Hiện nay, để tiết kiệm chi phí, NHNN không in các loại tiền mệnh giá nhỏ. Tuy nhiên, NHNN vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua chủ trương của NHNN không phát hành một số loại tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán nhằm hạn chế sử dụng tiền nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng.

Dịp Tết Nguyên đán 2015 NHNN sẽ không đưa vào lưu thông tiền lẻ mệnh giá dưới 5.000 đồng in mới vào lưu thông

Việc hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã khiến cho tỷ lệ tiền mệnh giá nhỏ quay về hệ thống ngân hàng sau dịp lễ hội thấp hơn nhiều so với các năm trước, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các kho tiền của ngân hàng, tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, kiểm điểm và tuyển chọn tiền cũng như đảm bảo các yêu cầu về an toàn kho quỹ.

“Tuy không in các loại tiền mệnh giá nhỏ, nhưng NHNN vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo đầy đủ nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán”- Phó Thống đốc Tú nói.

Tính toán của NHNN cho thấy, riêng năm 2013 – năm đầu tiên NHNN chủ trương hạn chế tiền mệnh giá nhỏ in mới (mệnh giá 500 đồng) vào lưu thông đã giúp cơ quan quản lý tiền tệ tiết kiệm được 94 tỷ đồng.

Năm 2014, thêm 2 tiền mệnh giá nhỏ là 1.000 đồng và 2.000 đồng in mới lưu thông dịp Tết, NHNN tiết kiệm được chi phí in ấn và chi phí bảo quản chung là 314 tỷ đồng.

Cộng cả chi phí tiết kiệm từ việc không đưa tiền mệnh giá 500 đồng mới vào lưu thông, thì số tiền mà NHNN tiết kiệm được là 409 tỷ đồng.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2015 tới, cơ quan quản lý tính toán, nếu bổ sung không đưa tiền lẻ mệnh giá 5.000 đồng in mới thì tổng số tiền mà NHNN tiết kiệm được khi không đưa 4 loại tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng vào lưu thông dịp Tết lên tới 1.084 tỷ đồng.

Còn với những loại tiền mệnh giá cao hơn như 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng thì NHNN vẫn in mới và cung ứng lượng đủ cho các Sở giao dịch NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố để “phân phối” tới các NHTM trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu người dân.

Liên quan tới hiện tượng vẫn xuất hiện các bàn đổi tiền ở cổng đền, chùa, lễ hội…. lãnh đạo NHNN thừa nhận, bản thân ông khi đi du Xuân tại một số địa phương trong dịp Tết Nguyên đán 2014 vẫn thấy hiện tượng này.

Song, Phó Thống đốc Đào Minh Tú kỳ vọng, với mức xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng với hành vi đổi tiền hưởng chênh lệch quy định tại Nghị định 96 của Chính phủ thì hành vi đổi tiền lẻ như trên sẽ bị xử lý triệt để.

“NHNN đã chỉ đạo quyết liệt trong hệ thống, dứt khoát nếu có tồn kho 1-2 bó tiền mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng mới cũng không được đưa ra lưu thông trong dịp Tết.

Nếu cán bộ  nào vi phạm, phát hiện có chuyện “tiếp tay” đổi tiền thì sẽ xử lý triệt để. Bản thân Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ  phải chịu trách nhiệm trước Thống đốc về việc này” – ông Tú quả quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại