Phát hiện chip do thám trong bàn là, ấm đun nước TQ

Giới chức Nga vừa tìm thấy những con chip siêu nhỏ có khả năng thu nhập dữ liệu trong các thiết bị gia dụng như bàn là, ấm đun nước điện.

Tờ Rosbalt tại St Petersburg hồi tháng 10 đưa tin, giới chức thành phố này đã phát hiện từ 20-30 bàn là và ấm đun nước nhập khẩu từ Trung Quốc bị gài chip do thám.

Kênh truyền hình quốc gia của Nga Rossiya 24 còn chiếu đoạn video quay cảnh kỹ thuật viên mở một bàn là trong lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và tìm thấy một "chip do thám" cùng "một tai nghe siêu nhỏ".

Theo Rossiya 24, các thiết bị bí mật phần lớn được sử dụng để phát tán vi-rút, bằng cách kết nối với các máy tính sử dụng mạng wi-fi không có mật khẩu bảo vệ trong phạm vi 200 m. Sau khi xâm nhập vào các máy, vi-rút có thể đánh cắp dữ liệu và gửi tới trang chủ ở nước ngoài.

Các sản phẩm khác cũng bị phát hiện chứa các thiết bị theo dõi, trong đó có điện thoại di động và camera dành cho xe ôtô.

Hiện giới chức Trung Quốc chưa lên tiếng về các cáo buộc trên.

Một bàn là bị phát hiện gài chip do thám.

Một bàn là bị phát hiện gài chip do thám.

Đây không phải lần đầu tiên các sản phẩm của Trung Quốc bị cáo buộc gắn chip theo dõi. Hồi giữa tháng 7/2013, tờ Australian Finacial Review dẫn lời cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden cho biết, theo "đánh giá chuyên môn" của ông thì tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc Huawei đã cung cấp cho chính phủ Trung Quốc "các thông tin mật của các hệ thống liên lạc nước ngoài", hoặc ít nhất cũng phải là những chi tiết về "các hệ thống viễn thông ngoại quốc mà tập đoàn này có liên quan".

Trước những mối đe dọa này, hàng loạt quốc gia đã “tẩy chay” những sản phẩm, thiết bị của Huawei cũng như sự tham gia của nó vào các dự án quốc gia.

Tháng 4/2013, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu các cơ quan chính phủ không được phép sử dụng các thiết bị công nghệ do các công ty được “sở hữu, chỉ đạo hoặc tài trợ bởi Trung Quốc” “sản xuất, chế tạo, lắp ráp” nếu không được sự cho phép của cơ quan thực thi pháp luật liên bang. Mục tiêu chính của đạo luật này được cho là nhằm vào Huawei và một công ty khác của Trung Quốc tên là ZTE.

Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ năm 2012 cũng đã ngăn chặn việc Huawei mua lại công ty máy tính Mỹ 3Leaf Systems sau những cảnh báo của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ rằng chính phủ và các công ty Mỹ không mua thiết bị do Huawei sản xuất, ngăn chặn mọi hợp đồng mua bán, sáp nhập của Huawei tại Mỹ.

Năm 2011, chính phủ Úc đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị của Huawei cho Hệ thống Băng thông Rộng Quốc gia Úc (NBN) và thông báo tới công ty viễn thông này việc sẽ ngăn chặn nó tham dự đấu thầu dự án xây dựng đường truyền băng thông rộng trị giá gần 38 tỉ USD.

Sau 1 năm tham vấn cơ quan Tình báo Úc, chính phủ Úc đã chính thức ra lệnh cấm tham dự đối với Huawei. Thủ tướng Úc khi đó là bà Julia Gillard khẳng định “đây là một biện pháp phòng ngừa” nguy cơ tấn công mạng từ Trung Quốc.

Tháng 10/2012, trong tuyên bố về việc xây dựng mạng thông tin siêu bảo mật của chính phủ Canada, ông Andrew MacDougall, phát ngôn viên của Thủ tướng Stephen Harper cho biết: "Chính phủ sẽ quyết định cẩn trọng... Đây là một ngoại lệ về an ninh quốc gia nên không vi phạm nghĩa vụ thương mại quốc tế". Điều này đồng nghĩa với việc loại Huawei bị loại ra khỏi danh sách những đối tác của dự án.

Mặc dù phải phụ thuộc vào Huawei khá nhiều trong việc phát triển ngành viễn thông, song Ấn Độ cũng đã có nhiều động thái cứng rắn đối với hãng công nghệ này trước lo ngại về những mối đe dọa an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, hồi tháng 8/2013, sự kiện Ethiopia ký kết với Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc một thỏa thuận thiết lập mạng băng thông rộng trị giá 800 triệu USD một lần nữa dấy lên mối quan ngại về hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi.

Theo thỏa thuận này, ZTE sẽ xây dựng một mạng băng thông rộng 4G tại thủ đô Addis Ababa và mạng 3G trên khắp phần còn lại của đất nước. Thỏa thuận với ZTE nằm trong giai đoạn cuối của dự án đầu tư trị giá 1,6 tỷ USD chung giữa ZTE và Công ty Huawei Technologies theo tỷ lệ 50/50.

Từ góc độ của chính phủ Ethiopia, thỏa thuận đạt được với ZTE và Huawei có thể giống như một "món quà" nếu xét đến điều kiện cho vay lãi suất thấp, giá cả cạnh tranh, hệ thống quản lý đầy đủ và tiềm năng cung cấp kết nối chi phí thấp cho người dân. Tuy nhiên, các thông tin này xuất hiện đúng vào lúc giới chức Mỹ liên tiếp phát đi những cảnh báo tin rằng Trung Quốc đang phát triển một mạng lưới do thám nguy hiểm tại châu Phi.

Xem thêm clip: Áo ngực Trung Quốc chứa "chất lạ"

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại