Thời gian vừa qua, người tiêu dùng liên tiếp phát hiện các sản phẩm mang nhãn hiệu của hãng Pepsico có dị vật bên trong như chai nước Sting có con sâu, chai Pepsi có dây thun...
Mặc dù, thông tin phản ánh trên báo chí gần một tháng nay nhưng Pepsico vẫn chọn cách im lặng, không lên tiếng về sự việc khiến người tiêu dùng hoang mang, bức xúc.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam về vấn đề này.
Pepsico và sự im lặng khó hiểu
Thưa ông, sự im lặng của Pepsico trong thời gian qua ảnh hưởng đến người tiêu dùng như thế nào?
Thứ nhất, dù công nghệ sản xuất có hiện đại đến đâu thì xảy ra lỗi trong sản xuất là điều hết sức bình thường. Vậy nên chai nước có lỗi cũng không có gì là lớn cả.
Tôi chưa khẳng định sản phẩm của Pepsico có dính lỗi hay không nhưng cái đáng bàn đến ở đây là khi sự việc xảy ra thì ý thức của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng như thế nào? Có dám nhận lỗi hay không?
Tôi lấy ví dụ ở nước ngoài, các hãng nước giải khát càng lớn bao nhiêu thì ý thức tôn trọng khách hàng càng cao bấy nhiêu.
Kể cả Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan có liên quan ngay sau khi vụ việc xảy ra cũng sẵn sàng nhập cuộc để làm rõ vấn đề.
Thế nhưng ở Việt Nam, rất nhiều sự cố liên quan đến các sản phẩm đồ uống xảy ra nhưng cách ứng xử của nhà sản xuất thực sự đang làm buồn lòng người tiêu dùng.
Thứ hai, một thương hiệu nổi tiếng được xây dựng bởi hai thứ quan trọng là chất lượng sản phẩm và sự yêu mến của người tiêu dùng.
Chất lượng cao chưa quyết định thương hiệu, chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường mà còn là lòng tin yêu của người tiêu dùng với sản phẩm.
Nhà sản xuất muốn được người tiêu dùng tin yêu thì phải để họ thấy nhà sản xuất tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nghe cái đòi hỏi chính đáng của họ.
Tuy nhiên, nhà sản xuất ở Việt Nam hiện nay mới chỉ làm được một nửa.
Pepsico chắc chắn công nghệ sản xuất của họ cao nhưng khi bị tố có dị vật trong sản phẩm mà họ im lặng thì thật là khó hiểu.
Phải chăng do cơ chế pháp lý xử lý và giải quyết vấn đề về chất lượng sản phẩm chưa đạt hiệu quả nên chỉ trong một thời gian ngắn mà rất nhiều sản phẩm kém chất lượng bị phanh phui?
Chế tài xử lý các đơn vị sản xuất nước giải khát vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đã có hẳn bộ luật nhưng hiện tại chế tài, xử phạt chưa đủ độ dẫn đến trường hợp hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều.
Vì một lô hàng họ sản xuất có giá từ 5 -10 tỷ đồng mà có hàng kém chất lượng phạt có vài trăm nghìn thì họ nộp phạt xong rồi tái diễn là điều tất nhiên.
Cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi, phải có chế tài thật mạnh để làm sao họ không dám làm hàng kém chất lượng nữa, cái đó là quan trọng nhất.
Nói vậy có nghĩa là trong vụ việc này cơ quan quản lý nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm?
Các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chưa làm được như mong muốn.
Lẽ ra, khi có phản ánh của người dân về sự cố sản phẩm, cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ vấn đề chứ không để người dân đơn phương độc mã giải quyết vấn đề với nhà sản xuất như vậy.
Tôi thấy một điều lạ là tại sao Pepsico ở nước ngoài rất tôn trọng khách hàng, cũng là Pepsico nhưng ở Việt Nam, khi xảy ra vụ việc họ lại có cách hành xử như thế? Việc coi thường người dân là không thể chấp nhận được.
Hàng rào kỹ thuật Việt Nam còn nhiều yếu kém
Với việc liên tiếp phát hiện ra dị vật trong sản phẩm còn Pepsico lại giữ im lặng, không có phát ngôn chính thức nào thì người tiêu dùng sẽ phản ứng như thế nào?
Nếu Pepsico im lặng, coi thường người dân như vậy thì chắc chắn rằng người dân ở đâu cũng cảm thấy bị xúc phạm, chắc chắn họ sẽ tẩy chay.
Bởi vì hiện nay, Pepsico không thể ỷ thế mình mạnh mà người tiêu dùng phải lựa chọn sản phẩm của họ.
Người tiêu dùng không sử dụng hãng này thì còn nhiều hãng khác, họ luôn lựa chọn biện pháp đúng đắn nhất cho mình. Lúc đó, thiệt thòi nhất chính là Pepsico.
Nếu Pepsico tiếp tục im lặng, không lên tiếng chính thức về vụ việc, người tiêu dùng cần phải làm gì?
Theo tôi, người dân nên làm việc với Hội Bảo vệ người tiêu dùng, liên hệ với Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm để phản ánh về vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Nếu không tiếp xúc được với cơ quan chức năng thì gặp báo chí để lên tiếng thay mình.
Đây là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng như Cục quản lý cạnh tranh, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phải vào cuộc.
Việt Nam sắp thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN, mở cửa hội nhập, các hãng nước giải khát trong khu vực xâm nhập thị trường Việt Nam, không thể tránh khỏi sản phẩm kém chất lượng, hàng giả...
Xin ông cho biết, người tiêu dùng cần phải làm gì để trở thành người tiêu dùng thông minh?
Khi Việt Nam thành lập AEC sẽ có thêm cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình.
Dĩ nhiên, có một vấn đề là nhiều sản phẩm thì chất lượng tốt, trung bình, xấu... sẽ khiến người tiêu dùng lúng túng lựa chọn.
Đầu tiên phải nói đến vai trò quản lý nhà nước là hàng rào kỹ thuật. Khi thuế bằng 0 thì hàng rào kỹ thuật là điều vô cùng lớn, là vũ khí của các quốc gia, ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng.
Nhưng phải thừa nhận, hàng rào kỹ thuật ở Việt Nam vô cùng yếu kém.
Tôi lấy ví dụ, khi hoa quả nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh, về đến chợ đầu mối Long Biên được 15 ngày rồi mới có kết quả kiểm tra chất lượng thì quá muộn.
Nếu chúng ta không thực hiện được hàng rào kỹ thuật tốt sẽ bị một đòn rất nặng từ các nước khác đánh vào.
Người tiêu dùng nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm của mình để phân biệt đâu là hàng tốt, hàng xấu thì thật khó.
Chúng ta cần có biện pháp đồng bộ. Chính sách quản lý, ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng phải có hiệu quả.
Ngoài ra, báo chí cũng nên vào cuộc, thông tin cho người dân phân biệt đâu là sản phẩm đã vi phạm chất lượng, dã từng bị tẩy chay, đâu là sản phẩm được nhiều người tin dùng nhằm giúp người dân có được sản phẩm an toàn nhất.
Xin cảm ơn ông!