Vietcombank
Năm 2012, Vietcombank lãi trước thuế hơn 5.544 tỷ đồng, thấp hơn so với gần 6.000 tỷ đồng năm 2011. Phần chi phí bỏ ra để trích lập dự phòng cho các khoản cho vay của nhà băng này, đến hết quý IV/2012 là hơn 3.256 tỷ đồng, riêng trong quý IV là hơn 693 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ 2011 nhưng cao hơn so với các quý còn lại.
Trích lập dự phòng rủi ro thấp hơn so với cùng kỳ 2011, nhưng lợi nhuận quý IV/2012 của Vietcombank chỉ đạt hơn 1.322 tỷ đồng quý (IV/2011 là 1.586 tỷ). Trước đó, ngân hàng này đã đưa ra thông báo giảm chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, song một thời gian ngắn sau lại bảo toàn kế hoạch ban đầu.
Là một trong những ngân hàng chi trả lương, thưởng cao nhất ngành, năm 2012, mức thưởng Tết âm lịch dành cho nhân viên chỉ 2 tháng, còn lương bình quân cán bộ, nhân viên nhà băng này giảm 6 triệu đồng/tháng so với năm 2011.
SHB
Với việc sáp nhập vào Habubank, kết quả kinh doanh của ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội gần như tồi nhất trong lịch sử. Vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012, SHB khiến nhà đầu tư giật mình bởi con số nợ có khả năng mất vốn lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, từ mức hơn 278 tỷ đồng cuối năm 2011.
Các nhóm nợ xấu khác như dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng mạnh hàng chục lần so với năm 2011, phổ biến trên 1.000 tỷ đồng đến gần 2.000 tỷ đồng. Phần dự phòng rủi ro các khoản cho vay của SHB cũng tăng mạnh so với kỳ trước, ở 907 tỷ đồng so với con số 154 tỷ đồng năm 2011. Tổng lợi nhuận trước thuế của SHB đến hết 31/12/2012 là hơn 1.132 tỷ đồng.
Sacombank
3 tháng cuối năm 2012, lợi nhuận của Sacombank giảm 64% so với 2011. Ngân hàng này, bên cạnh công bố kết quả kinh doanh, cũng mới có báo cáo giải trình về việc kinh doanh thua lỗ trong năm vừa qua. Trong quý IV/2012, lợi nhuận của Sacombank giảm mạnh hơn 284% so với cùng kỳ năm 2011, cụ thể, khoản lỗ trong quý này đã lên tới 871 tỷ đồng, do Sacombank thực hiện trích lập dự phòng rủi ro các khoản cho vay, chứng khoán, phải thu khó đòi theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước. Trong quý IV/2012, khoản tiền nhà băng này dành ra để dự phòng rủi ro tăng hơn 415 tỷ đồng so với cùng kỳ 2011.
Giải trình cụ thể, Sacombank cho biết, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối giảm hơn 191 tỷ đồng chủ yếu do giá vàng biến động, từ hoạt động dịch vụ cũng giảm gần 260 tỷ đồng do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, doanh nghiệp cầm chừng sản xuất.
Bên cạnh đó, khoản lỗ nói trên có sự góp phần của hoạt động kinh doanh chứng khoán, với số tiền nhiều hơn 99,5 tỷ đồng so với quý IV/2011. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng thêm gần 10 tỷ so với 2011 khiến cho lợi nhuận 3 tháng cuối năm 2012 của Sacombank bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đơn vị này mới công bố, nợ xấu nhóm 3 đến 5 của Sacombank tăng mạnh so với đầu năm. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ hơn 101 tỷ đồng lên hơn 312 tỷ, nợ nghi ngờ từ hơn 193 tỷ lên trên 764 tỷ đồng, có khả năng mất vốn là hơn 896 tỷ đồng so với mức 167 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm.
Chi phí cho nhân viên Sacombank năm 2012 là hơn 1.913 tỷ đồng, tăng so với mức trên 1.740 tỷ năm 2011. Bình quân, mỗi nhân viên nhận lương và phụ cấp 15,4 triệu đồng/tháng.
Eximbank
Công bố báo cáo tài chính sát Tết Âm lịch, Eximbank cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế trong quý IV là hơn 413 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với mức hơn 1.360 tỷ cùng kỳ 2011. Cả năm, ngân hàng này đạt lợi nhuận hơn 2.850 tỷ đồng, thấp hơn một nửa so với mức trên 4.000 tỷ đồng năm 2011.
Chi phí dùng để dự phòng rủi ro trong hoạt động của Eximbank - không giống các ngân hàng khác - lại có xu hướng giảm trong quý IV/2012. Nếu như năm 2011, trong quý IV, ngân hàng này phải dự phòng hơn 106 tỷ đồng, thì năm nay chỉ phải bỏ ra chưa đến 40 tỷ đồng. Cả năm, dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank là gần 240 tỷ đồng, vẫn thấp hơn mức trên 270 tỷ đồng của năm 2011.
Tại Eximbank, năm 2012, nợ xấu nhóm 3 và 4 đều giảm hơn so với cuối 2011, nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng vọt gần gấp đôi, từ 435 tỷ đồng lên gần 800 tỷ. Còn số tiền dùng để dự phòng rủi ro tính đến hết 2012 là hơn 523 tỷ, giảm so với 612 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2012.
Ngân hàng Quân đội
Là một trong những nhà băng có kết quả kinh doanh khả quan nhất theo báo cáo tài chính hết năm 2012, ngân hàng Quân đội đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 3.039 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết quý IV/2012, mức trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay, đầu tư chứng khoán… của MB đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, vượt mức hơn 700 tỷ đồng của năm 2011.
Nợ xấu nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) giảm so với cùng kỳ 2011 nhưng nợ nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (có nguy cơ mất vốn) đều tăng, trong đó nổi bật là nhóm 4 có mức tăng gấp 4 lần so với năm 2011, từ hơn 111 tỷ đồng lên trên 432 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc cán đích lợi nhuận của MB trong bối cảnh khó khăn chung của ngành ngân hàng năm 2012 cũng được đánh giá là đáng ghi nhận.
Vietinbank
Cũng là một trong những ngân hàng bị ảnh hưởng, Vietinbank cuối năm 2012 xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với một số hạng mục trong đó giảm mục tiêu lợi nhuận về 7.500 tỷ đồng.
Năm 2012, theo thông tin công bố, tổng lợi nhuận trước thuế của Vietinbank là trên 8.177 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch đề ra ban đầu nhưng lại tăng so với chỉ tiêu đã điều chỉnh.
Chi phí dự phòng rủi ro cho năm 2012 của Vietinbank lên tới hơn 4.350 tỷ đồng. Nếu chưa dự phòng rủi ro, lợi nhuận của Vietinbank là hơn 12.500 tỷ đồng. Quý IV/2012, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này đã lên tới trên 1.550 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý III, và cao nhất trong năm. Dù thế, Vietinbank vẫn là một trong những ngân hàng đạt chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2012.