Những ngày vừa qua dư luận xôn xao nhiều về việc anh Võ Văn Minh phát hiện chai nước tăng lực Number 1 “có ruồi” sau đó bị tố có hành vi tống tiền 500 triệu đồng và đã bị bắt hôm 27/1.
Việc tống tiền dù với động cơ nào cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong vụ việc trên đáng thất vọng nhất là cách xử lý của Tân Hiệp Phát sau khi tiếp nhận thông tin từ người tiêu dùng.
Chia sẻ với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng không đồng tình trước cách ứng xử của doanh nghiệp này. Ông Doanh cho rằng thị trường Việt Nam đang bị xấu đi chỉ vì “một con ruồi”.
“Nhận được phản ánh thấy có ruồi trong chai nước, đáng nhẽ Tân Hiệp Phát nên thuyết phục anh kia đưa sản phẩm tới kiểm định ở một bên thứ ba.
Đằng này lại “dụ” người ta đến rồi gọi công an bắt. Đang tự nhiên, một con ruồi nổi đình nổi đám”, ông Doanh nói.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, các doanh nghiệp khác rơi vào trường hợp tương tự thì không nên có cách hành xử “không giống ai” như Tân Hiệp Phát.
Nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lớn họ cũng dính bê bối, nhưng họ đã cách ứng xử rất khéo léo.
“Mới đây nhất như trường hợp của McDonald's, ngay sau khi bị khiếu kiện vì có dị vật trong bánh, họ thương lượng với khách hàng rồi gửi mẫu bánh đi kiểm nghiệm, đồng thời xin lỗi người tiêu dùng”, ông Doanh chia sẻ.
Cách hành xử quá tàn nhẫn?
Nói về vụ “con ruồi” của Tân Hiệp Phát, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng đây là một điều rất đáng tiếc cho cả doanh nghiệp cũng như anh Minh.
“Trong những trường hợp phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng như vậy, người tiêu dùng nên hành động một cách sáng suốt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng như cho cộng đồng”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, nếu như việc đưa người tiêu dùng vào “bẫy” để rồi họ phải đối mặt với vòng lao lý là có thật, giống như kịch bản được lặp lại thì đó là cách hành xử không thể chấp nhận được.
“Có nhiều cách để doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Không biết người tiêu dùng kia đã gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp đến đâu mà phải chọn giải pháp mạnh tay này”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, nếu gặp phải những yêu cầu từ người tiêu dùng có phần quá đáng, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ ra lời khuyên để vụ việc được giải quyết một cách hợp lý, đúng pháp luật, tránh cho người tiêu dùng bị thiệt hại nhiều hơn, đồng thời doanh nghiệp cũng có lối thoát.
Trong khi đó, về phía Tân Hiệp Phát, sau thời gian dài “giữ im lặng”, ngày 10/2, công ty này mới phát đi thông cáo khẳng định việc chai nước Number 1 có ruồi là "bịa đặt", đồng thời lý giải vì là một doanh nghiệp “đầu ngành” nên "Tân Hiệp phát phải đối đầu với không ít chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh nhắm vào sản phẩm".
Thông cáo của Tân Hiệp Phát với nhiều nội dung “đổ lỗi” cho người khác lại tiếp tục gây những ý kiến trái chiều.
Một chuyên gia truyền thông khi nói với BizLIVE cho rằng, bản thông cáo mà Tân Hiệp Phát phát ra cũng chưa thể hiện thái độ cầu thị với các cơ quan truyền thông và các thành viên trên mạng xã hội.
Họ đang "mắc một sai lầm kinh điển” trong xử lý khủng hoảng, đó là “giận dỗi” và “đe dọa”.