Ông Bùi Quang Vinh: Ngân sách địa phương quản lý, tôi rất lo

Lê Hữu Việt |

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ làm Bộ trưởng KH&ĐT, ông Bùi Quang Vinh có những chia sẻ, giãi bày về chi tiêu ngân sách hiện nay, đặc biệt ở cấp địa phương.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, nhiệm kỳ mới ở cấp địa phương đã bắt đầu, ai cũng muốn có công trình nào đó để ghi dấu ấn của mình.

Địa phương xin ngân sách trung ương, nhưng Chính phủ bảo không được làm, không cấp tiền thì địa phương phải chấp nhận.

“Nhưng chi ngân sách địa phương là quyền của họ, người cao nhất địa phương nói tôi cho làm, mình làm sao cấm được.

Vì vậy, chỉ có thể thông qua kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý theo luật pháp”, ông Vinh nói.

Trụ sở UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) đầu tư xây hết gần 90 tỷ đồng, đưa vào sử dụng cuối năm 2009, nhưng chỉ 3 năm sau đã sụt lún, bong tróc... quận lại phải chi ngân sách hơn 7,2 tỷ đồng để sửa chữa
Trụ sở UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) đầu tư xây hết gần 90 tỷ đồng, đưa vào sử dụng cuối năm 2009, nhưng chỉ 3 năm sau đã sụt lún, bong tróc... quận lại phải chi ngân sách hơn 7,2 tỷ đồng để sửa chữa

- Luật Đầu tư công, các chỉ thị của Thủ tướng đã siết hoạt động đầu tư công, không khởi công mới với dự án chưa bố trí được vốn…

Vậy, với dự án địa phương vẫn khởi công khi chưa bố trí được vốn có chế tài nào để xử lý, thưa ông?

- Chế tài xử lý đã có Luật Đầu tư công, áp dụng chung cho cả dự án dùng ngân sách trung ương và địa phương, chỉ có điều, ai đi kiểm soát việc thực thi?

Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ KH&ĐT… đều có thể vào cuộc, và chúng tôi làm từ năm 2016.

Nhưng luật này chưa có tác dụng ngay lập tức với chi tiêu địa phương như với đầu tư từ ngân sách trung ương.

Với ngân sách trung ương, nếu nói mà không thực hiện chúng tôi cắt vốn ngay.

Đồng thời, Quốc hội và Thủ tướng đã ra nghị quyết, để được bố trí vốn khởi công công trình mới phải thanh toán hết nợ công trình cũ, còn không sẽ không duyệt cấp vốn.

Với ngân sách địa phương, giám sát thông qua kiểm tra, vì quyền phê duyệt đầu tư đã phân cấp về cho người đứng đầu tỉnh.

Nhưng họ (địa phương - PV) cũng phải thay đổi, còn để tới lúc bị kỷ luật là không tốt rồi.

Phải làm sao để địa phương cũng làm tốt luật pháp chung. Đây là thực tế khiến sự đổi mới không dễ, quá trình rất khó khăn.

Không dám chắc với ngân sách địa phương

- Nhiều chuyên gia vẫn đánh giá đầu tư công và xử lý nợ đọng chưa được cải thiện nhiều, ông có ý kiến gì về điều này?

- Nợ đọng do ngân sách trung ương quản lý sẽ cơ bản được giải quyết trong 5 năm tới, đã có kế hoạch chi tiết để xử lý.

Vốn trung ương là do Bộ KH&ĐT và Thủ tướng phân bổ, nên chúng tôi hoàn toàn có quyền quyết định không để tạo ra nợ đọng.

Với Luật Đầu tư công, bộ ngành và địa phương không còn cơ hội tự ý làm công trình khi chưa có tiền.

“Phần ngân sách địa phương quản lý, tôi rất lo lắng, dù có chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức.

Nhiệm kỳ tới, ngân sách trung ương đã kiểm soát tốt thì phải “rờ” tới ngân sách địa phương”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Tuy nhiên, phần ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản do địa phương quản, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn để xử lý.

Hiện chúng ta chưa có đủ chế tài để quản lý chặt ngân sách địa phương, vì Hiến pháp và pháp luật đã trao quyền cho địa phương quản lý và sử dụng toàn bộ vốn này, nên việc này phụ thuộc vào cán bộ địa phương.

Nhưng khi ngân sách trung ương đã được siết chặt, chắc chắn sẽ có tác động tới các quyết định đầu tư của địa phương, địa phương nào chi quá tay sẽ trái các văn bản pháp luật.

Các địa phương đang có xu hướng làm tốt điều này. Nhưng tôi cảnh báo, địa phương vẫn đang chạy theo thành tích.

Như việc xây dựng nông thôn mới vừa qua, các xã vẫn bất chấp khả năng tài chính của mình, vay mượn làm công trình trước nên tạo ra nợ đọng. Vấn đề này cần thời gian để đánh giá và kiểm soát.

-Hiện nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn cao ông nghĩ sao về điều này?

-Nói đúng ra, nợ xây dựng cơ bản liên tục luân phiên không dừng, vì nhà thầu phải luôn làm vượt khối lượng thanh toán của công trình.

Có điều, nợ đọng đó phải nằm trong tầm kiểm soát của ngân sách, thấp hơn khả năng bố trí vốn những năm tiếp theo, để khi muốn kết thúc có thể thanh toán hết.

Nợ đọng của cấp trung ương không đáng lo ngại, chúng tôi kiểm soát được, như Bộ GTVT hiện nợ khoảng 13.000 tỷ đồng, tiền ứng trước khoảng vài chục nghìn tỷ đồng; Bộ KH&ĐT đang dự thảo kế hoạch báo cáo Chính phủ dồn vốn cho Bộ GTVT thanh toán toàn bộ số nợ này trong 5 năm tới.

Với ngân sách trung ương chi cho địa phương, cả 63 tỉnh thành đều đăng ký các biện pháp trả nợ xây dựng cơ bản.

Nếu làm tốt, từ nhiệm kỳ 2021 trở đi, nợ xây dựng cơ bản sẽ nằm trong giới hạn kiểm soát, an toàn như mọi quốc gia khác.

Tuy nhiên, phần ngân sách địa phương quản lý tôi rất lo lắng, dù có chuyển biến nhưng còn nhiều thách thức.

Nhiệm kỳ tới, ngân sách trung ương đã kiểm soát tốt thì phải “rờ” tới ngân sách địa phương, dù chi tiêu ra sao thuộc thẩm quyền địa phương.

Cơ quan trung ương không có quyền quyết định chi tiêu ngân sách địa phương, nên không thể dám chắc phần này và khi nào sẽ trong sạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại