Diện tích chật hẹp và giá đất trên trời khiến Hồng Kông không còn chỗ để chôn người chết.
Hồng Kông được xem là thành phố có giá bất động sản đắt nhất thế giới. Nhưng nếu như người sống đang phải chật vật tìm chỗ ở thì tình cảnh còn bi đát hơn với người đã khuất.
Hỏa thiêu là phương thức an táng phổ biến ở Hồng Kông và về cơ bản thành phố này đã hết chỗ để bình đựng tro cốt của người chết.
Theo ước tính, có hàng chục nghìn gia đình đang tạm thời cất giữ tro cốt của người thân ở các nhà tang lễ. Trong khi đó, giá để mua chỗ để tro cốt trong các nhà chứa tư nhân của thành phố đã tăng vọt.
Quả thực, ngay cả khi đã qua đời, người Hồng Kông vẫn không thoát nổi nỗi ám ảnh về giá đất .
Hiện nay, chính quyền thành phố đang lên kế hoạch xây dựng một “siêu nghĩa trang ”.
Ở khu Sandy Ridge, tiếp giáp với thành phố Thâm Quyến của đại lục, một tổ hợp hỏa táng và cất giữ tro cốt sẽ được dựng lên để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tổ hợp này có công suất hỏa táng 500 người một ngày và cung cấp 200.000 chỗ để tro cốt. Con số này là đủ để đáp ứng tình trạng thiếu chỗ cất giữ tro cốt hiện nay.
Nhưng những người sống gần đó cảm thấy không hài lòng với kế hoạch trên.
Một người họ Vương, sống ở phía đại lục nói rằng ông cảm thấy “khó chịu về mặt tâm lý khi mỗi lần mở cửa sổ lại thấy nghĩa trang trước mặt”. Những người khác thì lo rằng giá đất gần đấy sẽ tăng vọt theo.
“Người Hồng Kông rất duy tâm, vì thế họ không thích sống gần những nơi liên quan đến người chết”, Xin Li, Phó giáo sư khoa nông nghiệp và xây dựng thuộc Đại học Đô thị Hồng Kông nói.
Tuy nhiên cô cho biết nguyên nhân chính để người dân chống lại kế hoạch trên là nghĩa trang mới sẽ thu hút dòng người lớn trong lễ tảo mộ vào tháng tư.
Mỗi năm, Hồng Kông phải chịu cảnh tắc đường và ô nhiễm không khí nghiêm trọng do hoạt động đốt vàng mã cho người đã khuất trong dịp lễ này.