Nông dân Thanh Hóa thành triệu phú nhờ "cây tỷ đô"

Kiều Linh |

Tại xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, nhiều người dân đang trồng cây mắc ca cho biết, trung bình mỗi một năm, loại cây này cho thu về hàng trăm triệu đồng.

Cây “tỷ đô” diệu kỳ

Anh Phạm Hữu Tú (xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) là người trồng mắc ca thành công đầu tiên tại Thành Mỹ.

Thu nhập từ cây mắc ca đem về cho gia đình anh là khoảng 300 triệu đồng/năm.

Năm 2006, trong chuyến công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn tại huyện Thạch Thành, anh Tú được nghe Phó Thủ tướng thiệu về giống cây trồng mới có tên là mắc ca.

Ngay buổi tối hôm đó, anh Tú bàn với vợ con gom toàn bộ số tiền gia đình tiết kiệm là 20 triệu đồng mua gần 500 cây mắc ca giống tại Viện Nghiên cứu Giống cây trồng Hà Nội về trồng.

“Nghĩ đến một khu đồi bạt ngàn cây mắc ca, quả sum suê từng chùm, tôi rất hào hứng. Cả một vườn cây luồng trồng chưa đến 5 năm, tôi giục vợ con dỡ bỏ hết để trồng mắc ca", anh Tú tâm sự.

Theo anh Tú, thời gian đầu trồng mắc ca anh gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do cây cực kỳ khó chăm sóc, anh lại chưa từng có một chút kinh nghiệm trong tay.

“Một vài cây đầu có dấu hiệu héo lá nhưng tôi đã chạy khắp nơi để nghiên cứu, vừa học hỏi kinh nghiệm của người dân vừa tìm mua sách dạy về cách chăm sóc cây mắc ca.

Thậm chí, tôi còn mò vào tận Tây Nguyên để tìm hiểu cách chăm sóc cây của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trồng mắc ca ở Tây Nguyên hay ở các vùng núi Tây Bắc thuận lợi hơn ở Thanh Hóa", anh Tú chia sẻ.

Sau gần 3 năm canh tác, đến năm 2009, vườn cây mắc ca rộng 2 ha của anh Tú đã cho những quả bói đầu tiên.

“Lần đầu cầm loại quả có giá trị cao như thế, gia đình tôi mừng đến rơi nước mắt vì nghĩ rằng, cảnh nghèo đói sắp qua rồi”, anh Tú hào hứng kể.

Cứ như thế, nhờ chăm chỉ mày mò đọc sách tìm hiểu cùng với trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vườn cây mắc ca nhà anh Tú cho năng suất năm sau lại cao hơn năm trước.

Năm 2011, vườn mắc ca nhà anh Tú cho thu về 5 tạ quả. Sang đến năm 2012, mắc ca cho thu hoạch 1 tấn. Năm 2013 và 2014, anh thu hoạch mỗi năm đều là 3 tấn quả.

Anh Tú hồ hởi nói: “Dự kiến năm nay vườn mắc ca nhà tôi thu về 6 tấn.

Nếu như với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg thì doanh thu sẽ đạt 300 - 400 triệu đồng. Ngoài bán hạt tươi, gia đình tôi còn phơi khô bán. Mắc ca khô có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg".

Ồ ạt trồng cây mắc ca, nuôi ước mơ triệu phú

Cũng giống như gia đình anh Phạm Hữu Tú, anh Phạm Văn Hồ (Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Thạch Thành) cho biết, hiện nay gia đình anh cũng đang trồng 2 ha cây mắc ca, doanh thu mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng.

Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca, anh Hồ nói: “Cây mắc ca là loại cây khó tính, điều kiện thổ nhưỡng yêu cầu tầng đất phải dày. 

Nếu thời tiết mùa xuân kéo dài ít nhất 4 tuần, nhiệt độ thấp dưới 17 độ thì cây sẽ ra hoa nhiều và đậu quả sai".

(Ảnh do nhân vật cung câp)

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngược lại, theo anh Hồ, mắc ca là giống cây hoa thụ phấn, nếu mưa phùn kéo dài thường xuyên sẽ khiến hoa không thụ phấn được dẫn đến mất mùa.

Anh Hồ cho biết, hiện nay, người nông dân Thành Mỹ không chỉ bán quả làm giống mà đã chuyển sang ươm cây giống để bán với giá thành cao hơn.

"Giá bán một cây mắc ca ghép mắt là 80.000 đồng/cây, chiều cao từ 70 - 80 phân. Hiện nay, với 2 vạn cây ươm được của Ban quản lý rừng phòng hộ, chúng tôi chỉ cung cấp đủ cho người dân trong huyện mua.

Nhiều người dân từ các tỉnh như Ninh Bình, Bắc Cạn họ cũng về hỏi mua để trồng nhưng chúng tôi không có mà bán”, anh Hồ nói.

Hiện nay, nhiều người dân xã Thành Mỹ đang bắt tay vào trồng cây “tỷ đô” này. Tính đến thời điểm hiện tại, cả xã Thành Mỹ có hơn 20 hộ dân trồng cây mắc ca.

Tuy nhiên, khi được hỏi về thị trường hạt có thể biến đổi sau 10 năm, sẽ thiệt thòi cho nông dân vì giá thành rẻ, anh Hồ khẳng định: “Trên thế giới 100 năm nay họ mới trồng được chưa đến 800.000 ha thì ở Việt Nam sợ gì.

Mắc ca có trị dinh dưỡng cao gấp nhiều lần hạt đậu, hạt lạc vì thế không có chuyện bão hòa được.

Hạt điều và hạnh nhân cũng không thể so sánh được nên nhiều năm sau, đây vẫn là cây có giá trị dinh dưỡng cao nhất với giá bán cao nhất".

Còn anh Phạm Hữu Tú thì cho rằng: “Giá 10 năm nữa mà xuống đến 30.000 - 40.000 đồng/kg thì doanh thu vẫn cao hơn trồng ngô và đậu. Chỉ cần đẩy mạnh năng suất thì đây vẫn là cây có giá trị kinh tế hàng đầu”.

Giáo sư
Hoàng Hòe
Chúng ta nên khuyến khích người nông dân trồng cây mắc ca vì giống này đã được khảo nghiệm 10 năm nay ở nhiều nơi như Tây Nguyên, Tây Bắc và các tỉnh khác, kết quả là rất tốt. Cây cho nhiều quả, thậm chí còn năng suất hơn ở những nơi phát sinh ra nó như Thái Lan, Úc, Trung Quốc, Hawai… Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 10 giống mắc ca tốt đã được Chính phủ công nhận. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục nghiên cứu, nhận xét và đưa thêm các giống tốt cho người dân. Tuy nhiên, Nhà nước cũng phải hướng dẫn người dân chọn giống mua đảm bảo, tránh chọn cây giá rẻ, không tốt dẫn đến chất lượng kém.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại