Khác với những doanh nhân 1.0 và 2.0, “nuôi lớn” doanh nghiệp từ 2 bàn tay trắng, những "cậu ấm, cô chiêu" trong thế hệ 3.0 là những người ra đời trong cảnh nhung lụa nhưng lại gánh trên vai những trọng trách to lớn liên quan đến nhiều ngàn tỷ đồng.
Với các thiếu gia, tiểu thư này, việc kế nghiệp công việc và gia sản “khủng” của bố mẹ vừa là áp lực cũng vừa là cơ hội, và đây cũng là trách nhiệm lớn lao bởi “tre già” thì “măng phải mọc”.
Theo đó, để giữ vững những gì thế hệ trước đã khổ công xây dựng, không ít “cậu ấm, cô chiêu”, con của các doanh nhân thành đạt đã phải từ bỏ ước mơ riêng của mình để đi theo con đường kinh doanh của bố mẹ.
Chủ tịch Bourbon Tây Ninh: Ước mơ làm cô giáo
Khi bắt đầu suy nghĩ về những lựa chọn nghề nghiệp, ái nữ của đại gia Đặng Văn Thành (người sáng lập Tập đoàn Thành Thành Công), cô Đặng Huỳnh Ức My có những ước mơ riêng của mình. Cô đã rất thích trở thành cô giáo.
Nhưng vì thương cha, thương mẹ, thương công sức, tâm huyết mà họ đã bỏ ra, Ức My đã tự biến ước mơ chung của "gia đình lớn” hòa quyện vào đại gia đình Thành Thành Công.
Cô quyết định “ăn cây nào, rào cây ấy”, tiếp nhận và góp phần phát triển cơ nghiệp của bố mẹ.
Cô nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trên thương trường.
Hiện nữ doanh nhân tài giỏi này đang giữ những trọng trách lớn như Chủ tịch HĐQT tại Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) và nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (BHS) sở hữu hơn 1,5 triệu cổ phiếu.
Phải từ bỏ nghề giáo viên nhưng cô Đặng Huỳnh Ức My vẫn tìm cách trải nghiệm với nghề mà mình yêu thích ngay chính trong công việc kinh doanh.
Cô cho biết: Cô vẫn “đang học” để làm cô giáo mỗi ngày.
Bởi vai trò lãnh đạo của Đặng Huỳnh Ức My cũng không khác gì vai trò của một người thầy - người phải có bản lĩnh tạo ra sức ảnh hướng bởi sự chia sẻ để dẫn dắt người khác.
Tham vọng khởi nghiệp của Cường Đôla: Mở một hãng ô tô
Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) là con trai của quý bà quyền lực Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai) – người đã tạo nên một cơ ngơi đồ sộ, một gia sản khổng lồ về lĩnh vực bất động sản.
Với thú mê xe từ nhỏ, Cường Đôla cho biết: Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ của anh là mở một hãng ô tô hay đại loại những gì liên quan đến xe.
Tuy nhiên, tới năm 24 tuổi, anh bắt đầu tham gia lĩnh vực kinh doanh gánh vác gánh nặng cùng mẹ mà không đeo đuổi đam mê, tham vọng về xe cộ của mình.
Và cho đến nay, Nguyễn Quốc Cường đã gắn bó với công ty của gia đình được 10 năm, giữ chức Phó Tổng Giám đốc.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ của Cường Đôla là mở một hãng ô tô hay đại loại những gì liên quan đến xe.
Lý do đại gia Cường Đôla về làm việc tại công ty gia đình tương đối đơn giản: ba mất sớm, chỉ có mẹ và cô em gái.
Vì không thể đứng nhìn mẹ lo toan mọi thứ một mình, Cường Đôla đã quyết định “đầu quân” cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
Chia sẻ trên Forbes, Cường Đôla nói: “Đối với mình, làm việc mình thích đương nhiên là vui và thích hơn, nhưng nghề gì cũng vậy nếu mình sống với nó bằng tất cả sự cố gắng thì một ngày nào đó nó tự nhiên trở thành công việc mình yêu thích”.
Bỏ ước mơ trở thành vận động viên tennis, trở thành đại gia bất động sản
Doanh nhân 8X Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), là con trai cả của cặp doanh nhân Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc.
Trước khi thành công trên con đường kinh doanh, anh từng là vận động viên tennis chuyên nghiệp hàng đầu của Việt Nam, từng giành chức vô địch quốc gia những cây vợt xuất sắc năm 1998.
Quyết định theo nghiệp kinh doanh của bố mẹ, rời bỏ thể thao chuyên nghiệp trong khi còn rất trẻ và đang ở đỉnh cao sự nghiệp đã để lại cho Đặng Hồng Anh nhiều nuối tiếc.
Anh từng tâm sự trên VnEconomy: “Tôi đã rất buồn và cảm thấy vô cùng hụt hẫng một thời gian dài, khi quyết định rời bỏ niềm đam mê lớn là môn tennis sau hơn 10 năm gắn bó...
Gia đình không can thiệp vào chuyện này, nhưng tôi biết việc gợi ý kinh doanh là cách làm cho tôi vơi đi bức xúc của tuổi trẻ và hướng tôi đến việc tạo lập cuộc sống căn cơ hơn”.
Thiếu gia “con nhà nòi” Đặng Hồng Anh cho rằng: Trở thành doanh nhân hay trở thành vận động viên tennis không có sự khác biệt rạch ròi.
Bởi 2 nghề đều là sự khẳng định giá trị và khả năng của bản thân, hướng đến mục đích là thành công.
Chỉ có điều, không như trước đây, “mọi quyết định của tôi hiện nay không chỉ liên quan đến cá nhân mà là gắn kết với tên tuổi, thương hiệu và cuộc sống của hơn 400 cán bộ, công nhân viên Sacomreal.
Vì vậy, tôi đã phải cẩn trọng hơn nhiều, mọi quyết định không bộc phát cá nhân như trước đây nữa” - doanh nhân này nhấn mạnh.