Thủ Thiêm rộng 719ha, được quy hoạch 8 khu chức năng khác nhau thành các trung tâm tài chính, nhà ở, thương mại,...
Hiện cơ bản đã hoàn tất GPMB, TP.HCM đã đầu tư 29.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, riêng khoản tiền để GPMB tới 17.288 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 12.000 tỷ đồng là vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng nên tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng mỗi ngày.
Câu chuyện Đại Quang Minh làm bất động sản chỉ nổi lên một vài năm trở lại đây, nhưng lại đang cho thấy là một thế lực mới.
Năm 2011, Đại Quang Minh được lập ra với sự bắt tay làm ăn của 2 doanh nhân.
Một là ông chủ ô tô Trường Hải và một là ông chủ một công ty địa ốc ở Hà Nội với nhiều dự án đã đầu tư thành công như Golden Palace Mễ Trì, Golden Palace Lê Văn Lương,…
Công ty này có vốn điều lệ 4.200 tỷ (trong đó, ông Trần Đăng Khoa nắm 17,5%, Trường Hải 45% và CTCP Đầu tư Mai Linh 37,5%) để đầu tư vào một loạt dự án ở Thủ Thiêm.
Chủ tịch ô tô Trường Hải, ông Trần Bá Dương đồng thời cũng là Tổng Giám đốc của Đại Quang Minh.
Được ô tô Trường Hải rót vốn, đến nay Đại Quang Minh đã rót hàng nghìn tỷ đồng vào Thủ Thiêm.
Cuối 2014, Đại Quang Minh nổi như cồn với việc bỏ ra 8.265 tỷ đồng để đầu tư 4 tuyến đường tuyến đường tại Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT.
Chia sẻ với báo chí gần đây, ông Trần Bá Dương cho biết Đại Quang Minh đã rót hơn 7000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cho khu đô thị mới này.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy, các dự án hạ tầng kỹ thuật được xây tương đối nhanh, gồm 4 tuyến đường chính Quảng trường trung tâm, công viên ven sông, dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị phía Bắc và hoàn thiện đường Bắc –Nam, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, dự án nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới; dự án đang tập trung triển khai Dự án khu châu thổ phía Nam để hoàn thiện hạ tầng…tạo điều kiện kêu gọi đầu tư vào Thủ Thiêm.
Với việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở Thủ Thiêm theo hình thức BT, đổi lại Đại Quang Minh được giao làm Chủ đầu tư khoảng 106ha, hiện đang đầu tư xây dựng dự án Sala.
Trong đó, khu căn hộ Sarimi (464 căn) được bán ra thị trường với giá 40 triệu đồng/m2, cùng 177 căn biệt thự với giá bán từ 50 tỷ đồng/căn. KĐT Sala dự kiến có thể bàn giao nhà từ quý 2/2016.
Một số dự án thương mại, nhà ở, dịch vụ được triển khai thi công nên đã tạo được tiền đề các nhà đầu tư khác đăng ký tham gia đầu tư phát triển dự án.
Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn từ nước ngoài, đơn cử như Empire City.
Đây là dự án BĐS có vốn FDI lớn nhất từ đầu năm đến nay được cấp phép. Dự án này dự kiến sẽ khởi công đầu 2016 và hoàn thành vào 2022.
Đặc biệt, Empire City có tòa tháp quan sát cao 86 tầng nằm trong lõi đô thị Thủ Thiêm, là tòa nhà được cho là cao bậc nhất Việt Nam.
Khi hoàn thành, tổ hợp công trình này sẽ là khu khách sạn 5 sao, khu thương mại cao cấp, khu văn phòng và căn hộ nằm dọc trục đại lộ Mai Chí Thọ với tổng diện tích 14,5ha…dự kiến chi phí nhà đầu tư bỏ ra để xây dựng vào khoảng 1,2 tỷ đô la, do 2 nhà đầu tư trong nước và 1 nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Tiến Phước và Công ty Trần Thái, cùng với Denver Pawer Lđt thuộc tập đoàn Gaw Capital Partner liên doanh đầu tư.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay còn đang ghi nhận sự khởi động của một siêu dự án khác là Thu Thiem Eco Smart City trị giá tới 2 tỷ USD của liên danh Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, trong đó có khu cửa hàng bách hóa và khu phố thương mại tiêu chuẩn quốc tế.
Tháng 4/2015 mới đây đã có thông tin Lotte ký quỹ 2.000 tỷ đồng để triển khai dự án, dự kiến khởi công đầu năm 2016.
Bên cạnh khu chức năng số 2 đang được đẩy mạnh đầu tư, thì khu chức năng số 1 cũng đang được TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho chỉ định một nhà đầu tư thực hiện dự án Khu tổ hợp Sóng Việt, đó là Công ty CP Quốc Lộc Phát nghiên cứu đầu tư 7.050 tỷ đồng.
Theo báo cáo của TP.HCM, nhà đầu tư này cam kết sẽ ký quỹ 100 tỷ, đồng thời nợp tiền sử dụng đất ước tính 2.000 tỷ nếu được chọn làm chủ đầu tư.
Dự kiến khu phức hợp Sóng Việt cũng sẽ được khởi động từ đầu 2016.
Bên cạnh đó, một công ty hạ tầng lớn ở TP.HCM là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII) mới đây cũng quyết định rót 2.600 tỷ để đầu tư hạ tầng vào khu 3, khu 4 Thủ Thiêm.
Đổi lại, CII được làm chủ đầu tư quỹ đất dự án Maria Bay và Dự án Thủ Thiêm Lake View khoảng 84.255m2 với tổng giá trị được xác định là 2.343 tỷ đồng.
Trong quy hoạch Thủ Thiêm, nhiều cái tên thuộc dòng đại gia khác cũng xuất hiện ở Thủ Thiêm như dự án bệnh viện 3,9ha của Vietinbank, dự án tổ hợp hơn 4ha của Công ty GS E&C,…