Những nghề dễ bị kỳ thị tại Việt Nam

Kiều Oanh |

Dẫn nhảy, người mẫu nude, nhiếp ảnh gia chụp ảnh khỏa thân, nghề massage, trị liệu tình dục… là những nghề xưa nay vẫn bị nhiều người kỳ thị và phân biệt.

Người mẫu nude

Không ồn ào và danh giá như nghề người mẫu thông thường, người mẫu nude là một công việc thầm lặng, kín kẽ và phải chịu nhiều lời đánh giá cũng như thái độ kỳ thị từ những người xung quanh.

Bị kỳ thị là bởi, theo đúng như tên gọi, công việc của họ là trút bỏ xiêm y để họa sĩ hoặc nhiếp ảnh gia mô phỏng cơ thể của họ vào trong các tác phẩm nghệ thuật.

Hình minh họa

Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, môi trường làm việc và cơ thể trần trụi của người mẫu là “mảnh đất màu mỡ” khiến nhiều nhiếp ảnh gia hay họa sĩ nảy sinh ra ý định tà dâm.

Nghề massage

Massage vốn là nghề đường hoàng, chân chính, tuy nhiên, theo thời gian, những suy đồi về lối sống và những điểm massage trá hình biến tướng đã tạo cho mọi người cái nhìn miệt thị, thiếu thiện cảm với nghề này.

Bà Phạm Thị Hòa, GĐ Trung tâm chăm sóc Sức khỏe Hương Sen - một cơ sở chuyên massage vật lý trị liệu, từng mất 20 năm để tìm đường "minh oan" cho nghề massage. Bởi lẽ, trước đó, mọi người đều cho rằng Hương Sen thực ra chỉ là dịch vụ kinh doanh nhan sắc trá hình, dùng những lời lẽ cao đạo, đúng đắn để ngụy biện cho những hoạt động dấm dúi, bất chính.

“Mỗi buổi sáng bước chân đến đây làm việc, dù đã cố gắng, chúng tôi vẫn phải cúi mặt đi qua những ánh mắt coi thường, những lời xì xào bàn tán thất thiệt. Tôi và đồng nghiệp đã không biết bao lần khóc thầm, ấm ức với những kỳ thị đó”, bà Hòa tâm sự trên website của trung tâm.

Thợ chụp ảnh khỏa thân

Chụp ảnh nude là một công việc rất nhạy cảm, nó không như chụp ảnh thời trang thông thường nên những nhiếp ảnh gia gặp nhiều trở ngại từ sự thị phi, tò mò, đồn đoán, thậm chí bị “ném đá” của những người ngoài cuộc. Bởi với những tác phẩm cụ thể, người ta sợ bị chê là "dâm", sợ không dám cho trưng bày...

Nhiếp ảnh Thái Phiên từng chia sẻ trên tờ Giáo dục: "Tôi còn nhớ hồi con gái tôi còn học mẫu giáo, đi học về cháu nói với tôi rằng: “Bố ơi, bạn con không thèm chơi với con chỉ vì bố chuyên đi chụp ảnh cởi truồng”. Tôi là người cha, nghe con gái nói câu đó, tôi có đau không?... Tôi phải chấp nhận vượt qua những lời dè bỉu, chê bai, để đến với lý tưởng, hoài bão của mình, giống như một người dệt cây tầm gai, rất đau khổ chịu đựng để có được một chiếc áo đẹp".

Nghề diễn viên đóng thế cảnh "nóng"

Diễn viên đóng thế cảnh "nóng" cũng là một nghề nghiệp chính đáng tuy nhiên do định kiến, hầu hết các diễn viên này đều không có danh vị, không được coi trọng và đều không dám công khai nghề nghiệp dù họ đam mê với ước mơ diễn xuất của mình.

Chính vì vậy, ở Việt Nam, không có những diễn viên đóng cảnh nóng chuyên nghiệp, việc tìm các diễn viên nữ có thể đảm nhận những vai diễn này chủ yếu dựa vào danh sách các người mẫu, hotgirl mà nhà sản xuất tự tìm kiếm hoặc có được qua mối quan hệ quen biết.

Hình minh họa

Với những diễn viên này, dù cực khổ và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục, nhưng phần lớn họ đều cắn răng chịu đựng và duy trì với nghề.

Nghề tư vấn chuyện "phòng the"

Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của quan niệm phương Đông nên những chuyện kín đáo chốn phòng the của nhiều bạn trẻ kể cả chưa có gia đình và đã lập gia đình vẫn còn ngại ngùng không dám tâm sự với ai.

Năm 2010, đơn vị tư vấn tình dục nữ, thuộc khoa Kế hoạch Gia đình của Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu, kết quả cho thấy: trong số những người đến tư vấn về rối loạn sức khỏe tình dục có đến 85,8% thiếu kiến thức về sức khỏe tình dục; 19,7% do quan hệ gia đình bị trục trặc; 12,5% do kinh tế gặp khó khăn; 5,4% bị bạo hành; 3,6% có tiền sử bị quấy rối tình dục…

Vì lý do truyền thống và tôn giáo, trị liệu về tình dục học vẫn còn bị coi là một nghề “nhạy cảm” và dễ bị kỳ thị.

Vì lý do truyền thống và tôn giáo, trị liệu về tình dục học vẫn còn bị coi là một nghề “nhạy cảm” và dễ bị kỳ thị. (Ảnh minh họa)

Tuy phụ nữ và cả đàn ông đều có rất nhiều “tơ lòng” cần được “gỡ rối” xung quanh hoạt động tình dục nhưng khi các phòng khám và trị liệu các bệnh “phòng the” mở ra, nhiều người không dám bước vào vì sợ, nghi ngại đây là nơi không đứng đắn. Hoặc sợ ánh nhìn dòm ngó, bàn tán của mọi người xung quanh.

Mặt khác, vì lý do truyền thống và tôn giáo, trị liệu về tình dục học vẫn còn bị coi là một nghề “nhạy cảm” và dễ bị kỳ thị.

Nghề dẫn nhảy

Một vũ công nam chia sẻ trên tờ PetroTimes: Đã gọi là “đi nhảy” thì theo hình thức nào cũng bị liên tưởng với khái niệm “ăn chơi - rửng mỡ”, thậm chí là tiêu cực như mại dâm, bồ bịch. “Thời đầu, mới đi tập, chị em thường xì xào dị nghị, xem việc “nhảy nhót” của tôi như hư hỏng tới nơi rồi. Vậy là tôi giấu bạn bè đi học khiêu vũ một mình".

Theo đó, khiêu vũ vẫn còn nhiều rào cản từ gia đình và xã hội. Dù đam mê đến mấy, cả người theo học khiêu vũ chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều phải thốt lên rằng: Khiêu vũ là một nghề bạc bẽo.

“Ôsin” cho người đã khuất

Tuy là một nghề nhân văn, đầy ý nghĩa nhưng những người quét dọn, "ôsin" chăm lo hương khói cho những ngôi mộ ở nghĩa trang lại gặp không ít tủi phận.

"Ôsin" Đặng Thị Kim Thủy chia sẻ với báo Người lao động: Điều khiến bà và mọi người khổ tâm nhất chính là sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Mười năm chăm sóc mộ ở nghĩa trang là chừng ấy cái Tết bà Thủy không dám đến xông nhà đầu năm cho ai bởi nhiều người quan niệm làm việc ở nghĩa trang thường mang lại điều không tốt cho gia đình họ, ảnh hưởng đến cả năm làm ăn.

Hình minh họa

Còn bà Đỗ Thị Thu, mỗi lần nghe con gái kể chuyện bị bạn bè chọc ghẹo ở lớp về nghề của mẹ, bà lại ứa nước mắt. “Nhiều khi đi đâu chơi, có ai hỏi về nghề nghiệp, tôi chỉ dám nói mình làm bên môi trường” - bà rớm nước mắt.

Nghề bốc mồ mả

Nghề bốc mộ hay "tắm hài cốt” cho những người đã khuất là một nghĩa cử cao đẹp và đáng trân trọng, tuy nhiên, theo chia sẻ của chị “Bình hài cốt” ở thôn Đại Cầu (Hà Nam) trên báo Tin Tức, chị vẫn phải chịu không ít mặc cảm và kỳ thị, xa lánh của xã hội. Bởi người ta vẫn gọi đây là nghề "trần gian có một".

Nghe tiếng là con trai ông bốc mộ là người ta đã không muốn gả con gái cho rồi (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
"Nghe tiếng là con trai ông bốc mộ là người ta đã không muốn gả con gái cho rồi" (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Báo Người đưa tin chia sẻ về câu chuyện của hai cậu con trai của ông Hoàng Văn Quý (Hưng Hà, Thái Bình) theo cha học nghề bốc mộ từ nhỏ, đến khi trưởng thành, cả gia đình đều nghĩ các con chắc không lấy được vợ. Vì đến nhà nào cũng vậy, chỉ cần nghe tiếng là con trai ông Quý bốc mộ là người ta đã không muốn gả con gái cho rồi.

Tuy nhiên, vượt qua bao nhiêu nỗi cơ cực, đắng cay, bao nhiêu điều tiếng tốt xấu, thị phi, nhưng với cái tâm, nhiều gia đình vẫn gắn bó với nghề vì quan niệm "làm nghề cũng là làm phúc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại