Những món nợ đeo đuổi đại gia Đặng Thành Tâm

H. Tú |

Từng là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không ít lần lật cờ thắng thế, bung tiền để lấy lại vị thế và có lúc kiếm triệu USD mỗi ngày nhưng ông Đặng Thành Tâm dường như vẫn bất an với những món nợ đeo đuổi.

Món nợ đeo đuổi

Tuần vừa qua, ông Đặng Thành Tâm, doanh nhân từng đứng đầu bảng xếp hạng những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại đón thêm nhiều thông tin không mấy tốt lành.

Công ty khoáng sản nổi tiếng một thời của ông Tâm công bố lỗ năm thứ ba liên tiếp và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trước đó, CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) được kỳ vọng sẽ mang lại một sự đột phá lớn cho doanh nhân - vốn đã rất thành công trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và kêu gọi đầu tư nước ngoài (FDI).

DN sản xuất xỉ titan này từng lãi lớn trong bối cảnh hàng loạt công ty trong nước và các DN khác của ông Tâm gặp khó khăn hồi năm 2012, nhưng 3 năm qua, lợi nhuận đã trở thành một từ xa vời.

Ông Đặng Thành Tâm là chuyên gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ông Đặng Thành Tâm là chuyên gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đây là một tin buồn đối với ông Tâm với tư cách là cổ đông lớn nhất tại DN này.

Chưa kể, các DN khác của ông cũng nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của SQC, như TCT Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) nắm giữ 7,07%; CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) nắm giữ 5,84%.

Điều đáng buồn là SQC ghi nhận doanh thu cực thấp, chỉ 1,6 tỷ đồng trong quý IV/2015 và 5,4 tỷ đồng cho cả năm.

Lỗ có giảm xuống dưới 100 tỷ đồng, thấp hơn mức 125 tỷ đồng trong năm trước đó, nhưng cho thấy sự phục hồi ngày càng xa vời.

Trước đó, hồi cuối 2013, SQC đã phải tạm hoạt động sản xuất tại Nhà Máy xỉ Titan Mỹ Thành do nguồn quặng nguyên liệu thiếu hụt.

Gần đây, ông Đặng Thành Tâm còn liên quan đến một vụ scandal giáo dục.

Đó là ngày 14/3, Trường Đại học Hùng Vương - nơi ông Tâm từng Chủ tịch HĐQT, đã ký 25 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với tất cả cán bộ, nhân viên, giảng viên còn lại của trường.

Trước đó, chỉ trong ngày 25/2, trường này cũng đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của 79 giảng viên và nhân viên khác. Nhiều người bị hưởng trợ cấp thôi việc 0 đồng.

Lý do đề cập trong thông cáo báo chí là, 4 năm vừa qua, trường Hùng Vương đã không được tuyển sinh, không có sinh viên.

Trường không còn nguồn thu, thu không đủ bù chi diễn ra trong thời gian dài, dẫn tới việc lỗ nặng, thâm hụt trầm trọng vốn pháp định do cổ đông đầu tư.

Trong hàng loạt các quyết định sa thải gần đây, ông Tâm luôn là cái tên được nhắc đến trong mọi rắc rối. Hàng loạt các cán bộ giảng viên đã gửi đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi.

Trước đó, Đại học Hùng Vương đã chứng kiến vụ tranh chấp con dấu, kết quả của những mâu thuẫn giữa các thành viên trong HĐQT.

Ông Tâm là người lập lên Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG). Đây cũng chính là DN góp vốn thay thế cho ngân hàng Việt Hoa 1,5 tỷ đồng (trong tổng vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng) hồi năm 2004.

Với ngôi trường này, ông Tâm dường như liên tục gặp trắc trở kiện cáo và đã từng bị tạm đình chỉ chức chủ tịch HĐQT.

Sau đầu tư dàn trải: Quay về cốt lõi?

Một DN khác của ông Đặng Thành Tâm là CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) gần đây cũng liên tục gặp khó khăn.

Hồi cuối 2015, SGT bị phạt 85 triệu đồng vì chậm công bố nhiều báo cáo theo quy định. Công ty này cũng nhiều năm thua lỗ hoặc lãi thấp, bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát đặc biệt.

Ông Tâm hiện là cổ đông lớn, nắm giữ gần 24% vốn của SGT. Tập đoàn KBC của ông Tâm cũng nắm giữ gần 22%.

Trước đó, ông Tâm đã trầy trật với với Kinh Bắc trong việc tái cơ cấu khối nợ nhiều ngàn tỷ. Bộ mặt rầu rĩ, lo âu, râu rỉa lởm chởm khi đi họp Quốc hội chứng tỏ ông đã mất ăn mất ngủ với những món nợ ấy thế nào.

Kết quả kinh doanh thua lỗ, doanh thu tụt giảm, nợ nần chồng chất,... tại các DN như KBC, ITA, SGT,... và cả những món đầu tư và khoản nợ tại hai ngân hàng Navibank và WesternBank có lẽ khiến ông Tâm không đứng vững.

Cho tới thời điểm này, có thể nói, ông Tâm đã dứt khỏi lĩnh vực NH, lĩnh vực mà theo ông là con dao hai lưỡi.

Khối nợ khổng lồ đã giảm đi trông thấy. Nhưng dường như, hậu quả của một thời đầu tư dàn trải chưa buông tha doanh nhân này.

Các vấn đề của SQC, Hùng Vương... vẫn tiếp tục phát lộ. DN quy mô gần ngàn tỷ SaigonTel SGT chật vật không có tín hiệu tích cực rõ ràng.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), do ông làm Chủ tịch HĐQT, đã có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, phần lớn các khoản nợ được tái cơ cấu theo kiểu đổi nợ thành cổ phần.

Ngay cả như vậy, KBC của ông Đặng Thành Tâm vẫn còn những khoản nợ phải trả lớn, lên tới nhiều ngàn tỷ đồng, vượt quy mô vốn điều lệ của DN.

Là một doanh nhân thành đạt, ông Tâm nổi bật trong cộng đồng các DN Việt Nam. Tuy nhiên, những quyết định đầu tư dàn trải đã khiến ông lao đao.

Đã nhiều lần lật cờ thắng thế, bung tiền lấy lại vị thế và có lúc kiếm triệu USD mỗi ngày, nhưng dường như doanh nhân này vẫn luôn gặp những điều bất an, với những món nợ đeo đuổi dai dẳng dù thời điểm khó khăn nhất 2012-2013 đã qua đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại