Kiểng bông trang
Bông trang là một cây vị thuốc, có mùi thơm nhẹ, đẹp, lâu tàn nên thường được người dân trồng làm cảnh trong vườn nhà, đình chùa hoặc các công trình để tạo cảnh quan.
Cây bông trang được chia ra làm 2 nhóm đó là thân cây lớn, lá lớn và thân thấp nhỏ, lá nhỏ, bông nhỏ, bao gồm các màu như đỏ, vàng, hường, trắng, cam, tím.
Vài năm trở lại đây, bông trang được người dân “biến” thành kiểng để bán vào các dịp lễ, tết.
Để tạo ra một sản phẩm kiểng nhà vườn phải bỏ công tìm mua những cây bông trang có dáng đẹp, to, nhiều cành rồi đem về vô chậu, cắt tỉa, tạo dáng nên tốn nhiều thời gian và công sức.
Vì thế giá của loại kiểng này đắt hơn rất nhiều so với các loại kiểng khác.
Trên thị trường, giá của một cặp kiểng bông trang loại nhỏ nhất khoảng 15 triệu đồng, bao gồm các loại bông màu vàng, trắng, hường.
Còn một cặp kiểng bông trang đỏ gần 15 năm tuổi, cao 2m, tán 1,2m có giá bán lên đến 25 triệu đồng.
Kiểng hình dê
Nhiều nhà vườn ở Bến Tre đang chạy đua để tạo dáng, hoàn thiện các loại cây kiểng hình thú, đặc biệt là hình dê để kịp giao cho khách đã đặt hàng trươc ngày Tết Nguyên đán .
"Kiểng thú hình dê được nhà vườn đẩy mạnh sản xuất, do đây là linh vật của năm nên chắc chắn thị trường ưa chuộng", một chủ vườn kiểng lý giải.
Thông thường làm kiểng thú, các nghệ nhân sẽ dùng loại cây gừa tàu, do là loại cây dẻo, dễ uốn, tạo hình theo ý muốn.
Để làm ra một sản phẩm hình con dê cao 2 - 3 m phải tốn đến vài chục nhánh gừa tàu và khung sắt. Mỗi tác phẩm hoàn thiện, một nghệ nhận phải làm liên tục từ 5 -10 ngày.
Hiện giá các cơ sở đưa ra khá mềm. Kiểng hình dê có chiều cao 1,2 m có giá 3 triệu đồng/cây, loại có chiều cao 2,5 – 3 m có giá trên dưới 4 triệu, những loại có kích thước lớn hơn giá có thể lên đến chục triệu đồng.
Ngoài việc làm kiểng thú theo con giáp của năm, nhà vườn còn sản xuất nhiều kiểng thú khác như rồng, trâu, nai, voi... cả hình tháp Eiffel, hồ lô, chậu hoa, nhà mát…
Kiểng thú thường có giá cao hơn rất nhiều so với kiểng hình. Như kiểng voi, rồng…hiện giá bán trên dưới 30 triệu đồng/cặp, còn các loại kiểng hình mức giá dưới 10 triệu đồng/cặp.
Bưởi bàn tay Phật
Độc, lạ, đẹp mắt, từ ngày 17/11, những trái bưởi lễ có hình dáng bàn tay Phật chính thức xuất hiện tại 4 ngôi chùa phía Nam và 4 ngôi chùa ở phía Bắc.
Sau 3 năm thử nghiệm, những người trồng cây hạnh phúc vì đã hoàn thành sản phẩm mà họ tâm niệm.
Sản phẩm “chắp tay vái Phật” là trái bưởi Năm Roi không hạt được một công ty áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại tạo hình 3D.
Để tạo ra loại bưởi có hình dáng bàn tay Phật, nhà sản xuất đã mất 3 năm đầu tư, nghiên cứu và thử nghiệm.
Sau mỗi lần thất bại, người trồng lại phải kiên nhẫn đợi mùa bưởi tới, tức 6 tháng sau, mới có thể thử nghiệm lại.
Hầu hết công nghệ , khuôn tại hình loại bưởi này đều nhập từ Thái Lan với giá thành tương đối cao.
Trái bưởi bàn tay Phật này được bán với giá 600.000 đồng/quả.
Bưởi hình hồ lô
Bưởi hình hồ lô hình long, phụng, chữ "tài", "lộc" lạ mắt vẫn được người mua yêu thích.
Trái cây được tạo hình mất rất nhiều công đoạn và tỉ lệ thành công không cao, vì thế giá bán đắt hơn rất nhiều so với loại thường.
Dưa hấu vuông
Vào ngày Tết, những năm gần đây trên Thị trường hoa quả độc lạ còn có dưa hấu vuông, dưa hấu Hoàng Kim trên dưa có chữ “Tài, Lộc”, dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu Hoàng Kim hồ lô v.v..
Những năm gần đây còn có xuất hiện dưa hấu hình xe ô tô Mercedes – Benz v.v.. Dưa hấu này đa số người dân mua về làm quà vào dịp Tết Nguyên đán.
Giá cả các loại dưa hấu này rất cao, có quả lên đến vài triệu đồng.