Đại gia làng Mẹo chuyên sản xuất hàng gia công
Sự giàu có của các đại gia làng Mẹo (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà - Thái Bình) không chỉ thể hiện ở những bộ sưu tập xe hơi, biệt thự mà còn được chứng minh bằng việc xây dựng các ngôi nhà thờ họ to như lâu đài; bỏ hàng nghìn tỷ đồng để chơi cây cảnh...
Ngoài nghề nông thì làng Mẹo nổi tiếng với nghề sản xuất các loại hàng gia công. Sự nức tiếng giàu có của làng này đã nổi từ hững năm bao cấp, khi mà cả nước đang nghèo đói. Thời điểm ấy, ở làng Mẹo đã có những đại gia buôn hàng xuyên quốc gia.
Có đại gia (nay đã thành giám đốc Công ty lớn ở làng) có trong tay hàng nghìn cây vàng nhờ buôn tơ. Năm 1988, vị đại gia buôn tơ này đã thành lập được tổ sản xuất Hợp lực, một trong 36 tổ sản xuất lúc bấy giờ ở một cái làng bé con con.
Thời nay, khi có nhiều tiền thì các đại gia làng Mẹo có những cách tiêu tiền thật đáng nể. Họ xây lăng mộ, dòng thời họ... to như lâu đài hay dốc tiền tấn vào chơi cây cảnh – thú chơi được gọi là cực kỳ xa xỉ với người nông dân.
Ngoài việc xây lăng mộ, nhà thờ họ, thì các đại gia làng Mẹo còn có những thú chơi tinh xảo và tốn tiền. Trong đó phải kể đến việc chơi cây cảnh. Tiền cây cảnh của làng Mẹo ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cây cảnh mà các đại gia làng Mẹo chơi thì rẻ cũng phải 300 triệu đồng.
Đại gia lái xe hơi thăm ruộng
Làng hoa Vạn Thành nằm sâu trong thác Cam Ly, địa hình đồi dốc hiểm trở nhưng dọc các con đường xe hơi đời mới đậu san sát nhau như đang ở giữa những con phố trung tâm Đà Lạt.
Trước đây vùng dân cư này chỉ có trên 100 gia đình , chủ yếu sống với nghề trồng rau xanh. Khi Đà Lạt có những nhà đầu tư nước ngoài đến thuê đất trồng hoa xuất khẩu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 thì người dân ấp Vạn Thành cũng chuyển đổi cây trồng từ rau sang hoa với kiểu “ăn theo" các công ty lớn và trở thành một trong 3 làng hoa của Đà Lạt.
Làm ăn khấm khá, dân làng Vạn Thành sống sung túc như những đại gia khi tất cả đều xây nhà lầu, cứ 2 gia đình thì có một xe hơi, nhiều nông dân của làng mỗi sáng đi làm vườn bằng ô tô.
Ở làng hoa Vạn Thành, người sở hữu nhiều nhất có 2 hecta hoa, người ít nhất diện nhập cư cũng được một sào. Đất trồng hoa ở đây giá chuyển nhượng một sào cũng phải 700 triệu đồng, nên hàng chục người đang có tổng tài sản trên chục tỷ đồng. Với thu nhập này thì chuyện sở hữu trên một biệt thự bạc tỷ là chuyện rất thường tình.
Cũng đầy rẫy xe hơi và thường lái xe đi thăm ruộng giống người dân Vạn Thành là những đại gia ở xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song (Đăk Nông). Hiện, thống kê trên địa bàn xã Thuận Hạnh có hơn 50 chiếc ô tô con, trong đó loại đắt tiền trên 1 tỷ có khoảng 10 chiếc. Những hộ mua xe thường xuống các công ty đặt hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài đưa về, có những hộ có xe rồi mới đi học bằng lái.
Làng Thiết Khóa chuyên đi đào vàng
Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định cho hay: “Làng Thiết Khoá gồm có 3 xóm 7 - 8 - 9 hợp lại. Làng có trên 3.000 nhân khẩu thì phân nửa số ấy làm nghề đào vàng. Gần như 100% thanh niên làng Thiết Khoá làm nghề này. Người ta bảo đây là “làng đại gia” nhưng cái giá phải trả cũng nhiều vì từ trước tới nay có bãi vàng nào là yên ổn”.
Được biết, ngoài biệt danh “nghề nông gia truyền”, làng Thiết Khoá còn nổi tiếng với nghề làm cói. Từ Thiết Khoá, nghề làm cói lan ra khắp tỉnh và hình thành những HTX chiếu cói với những nghệ nhân nức tiếng Thành Nam. Nhưng cho đến nay, nghề làm cói ở Thiết Khoá gần như đã “tuyệt chủng”. Người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống ấy nữa.
Ở Thiết Khoá, thật khó để tìm ra bóng dáng của trai trẻ. Đơn giản là họ tha hương với nghề làm vàng. Họ đi khắp nơi, từ đỉnh đầu Hà Giang đến cuối mũi Cà Mau, tất cả đều có vết chân và những giọt mồ hôi mặn chát của người Thiết Khoá.
Trong số những người đào vàng ở Thiết Khoá, phải kể đến “Minh vàng” người xóm 9. Ông Minh sau hàng chục chuyến đào vàng thất bát đã bỏ vào Lâm Đồng trồng cà phê. Nhưng không ngờ, tại đây giấc mộng đại gia của ông nhanh chóng thành hiện thực chỉ trong vòng một tháng khi đào được 100kg vàng và ghi tên mình vào danh sách 30 tỷ phú của làng.
Làng đại gia thuần nông 100% ở vùng biên
Ngay sát biên giới Tổ quốc xuất hiện một làng đại gia thuần nông 100%. Đó là thôn Đức Hưng, thuộc huyện biên giới Đức Cơ, Gia Lai. Theo liệt kê, nếu liệt kê thu nhập hàng năm từ trăm triệu đồng trở lên thì có lẽ phải gần hết thôn, số hai ba trăm triệu đồng phải chiếm phân nửa, trong khi, tuổi đời của thôn chỉ bằng… một học sinh lớp 6.
Một ngôi nhà trong làng đại gia thuần nông.
Vốn nổi tiếng là vùng hẻo lánh song ít ai ngờ rằng những ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, nội thất sang trọng lại không phải là của hiếm ở đây. Hầu hết chủ nhân của chúng là những nông dân chân đất chính hiệu. Từ đồng vốn ít ỏi ban đầu, bây giờ cơ ngơi của họ lên đến hàng tỷ đồng bởi những ha cao su, cà phê, hạt tiêu, điều hằng năm cho thu hoạch đều đặn.
Có tiền rồi, những đại gia nông dân không chỉ xây nhà làm chỗ ở mà còn trang trí cầu kỳ cho ngôi nhà của họ thêm khang trang, hiện đại để hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Cũng bởi thế, những kiến trúc nước ngoài như kiểu Thái, Nhật... mọc lên ngày càng nhiều, tiêu tốn của họ hàng trăm triệu đồng.