Những dự án triệu đô bỏ hoang: Thành phố “bó tay”?

N.Thành |

Nhiều dự án nằm ở vị trí “ vàng”, có giá trị hàng trăm triệu USD, thậm chí từng là biểu tượng của TP HCM đã và đang bị bỏ hoang, gây ra lãng phí lớn.

 

Điển hình nhất trong số những dự án “khủng” bị bỏ hoang tại TP HCM không thể bỏ qua M&C Tower.

Đây là tòa nhà văn phòng kết hợp căn hộ hạng sang nằm ở vị trí đắc địa nhất TP HCM với ba mặt tiền Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt, do Cty CP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, cùng liên doanh với Saigontourist, Cty CP M&C, Ngân hàng Đông Á và Cty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, tổng vốn đầu tư khoảng 256 triệu USD, tương đương hơn 5.600 tỷ đồng.

Một góc tầng trệt của dự án Thuận Kiều Plaza hiện nay
Một góc tầng trệt của dự án Thuận Kiều Plaza hiện nay

Vốn chôn theo dự án

Được khởi công từ năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2011, dự án M&C Tower ước tính sẽ mang lại hàng trăm căn hộ hạng sang cho TP.

Tuy nhiên, sau 4 năm lỗi hẹn, tới nay dự án cao 42 tầng này đã hoàn thiện xong phần thô cũng như lắp đặt xong nhiều hạng mục nội thất giá trị.

Hàng ngàn tỷ đồng đã bị “chôn chân” tại đây từ năm 2011 đến nay gây ra sự lãng phí lớn cũng như nhiều hệ lụy đối với chủ đầu tư.

Ông Đào Anh Đạt – Chủ tịch Công đoàn Cty CP Địa ốc Sài Gòn M&C cho biết: Từ khi dự án ngừng thi công, chủ đầu tư vẫn phải trả nợ ngân hàng, riêng tiền lãi trên 1 tỷ đồng mỗi ngày, cùng với đó là hệ lụy nhiều lao động mất việc.

Chúng tôi đã phải gửi đơn kêu cứu nhiều nơi về việc chủ đầu tư không chịu trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động với tổng số tiền gần chục tỷ đồng.

Thậm chí, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án này với mức giá gần 8.000 USD/m2 cũng đứng trước nguy cơ mất trắng.

Một dự án “khủng” khác là Thuận Kiều Plaza nằm trên đường Hồng Bàng, Q.5, TP HCM.

Dự án được hoàn thiện vào năm 1998 sau 4 năm thi công với quy mô 33 tầng, tổng diện tích xây dựng 100.000 m2 do TCty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV hợp tác cùng Cty Kings Harmony Intl LTD (Hồng Kông) làm chủ đầu tư, trong đó phía Việt Nam góp 25% vốn.

Thuận Kiều Plaza từng là biểu tượng của TP HCM về một trung tâm thương mại, căn hộ đồ sộ.

Thế nhưng, với những sai lầm trong thiết kế kiến trúc, sử dụng của chủ đầu tư đã khiến cho công trình này sớm trở nên hoang tàn.

KTS Lưu Trọng Hải – nguyên Trưởng phòng Quản lý Kiến trúc Sở Xây dựng TP HCM, người từng đóng góp ý kiến xây dựng công trình này cho biết:

Đúng ra, với một vị trí đắc địa ngay cửa ngõ Chợ Lớn, lại nằm trong khu vực đông dân cư buôn bán và giàu có, Thuận Kiều Plaza phải trở thành một trung tâm thương mại sầm uất.

Nhưng do chủ đầu tư thiết kế theo dạng kiến trúc nhà ở của người Hồng Kông với mỗi căn hộ được chia ra nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng chỉ cao 2,7m, lại nhiều ngóc ngách, tường chắn dễ gây ra cảm giác ngột ngạt, u uất cho người ở.

Hơn nữa, với giá bán cũng khá cao, ở thời điểm những năm 2000, giá một căn hộ tại đây bình quân khoảng 3-5 tỷ đồng/1 căn, xếp vào hàng nhất nhì giá bán căn hộ tại TP nên người dân khó tiếp cận.

Việc đất “vàng”, dự án khủng bị chậm tiến độ cũng khiến cho TP HCM nặng gánh với món nợ vay để triển khai dự án.

Giải pháp vẫn… “tắc”

Được biết, Thuận Kiều Plaza đã được Cty CP Đầu tư An Đông mua lại toàn bộ với giá 600 tỷ đồng và dự kiến, sẽ dỡ bỏ để xây một trung tâm thương mại kết hợp căn hộ cao cấp mới.

Nhiều người hoan nghênh trước việc đổi chủ này vì khu vực quận 5 sẽ thêm một diện mạo mới và TP cũng bớt cảnh lãng phí đất “vàng”.

Hiện chủ đầu tư đang trình UBND TP HCM phương án thiết kế kiến trúc, thiết kế xây dựng. Việc “khai tử” Thuận Kiều Plaza sớm hay muộn còn phụ thuộc vào quyết định phê duyệt của UBND TP.

Trở lại với dự án M&C Tower, theo ghi nhận của DĐDN, dự án hiện đã đạt khoảng 80% khối lượng công trình.

Các hạng mục còn dang dở cần được hoàn thiện như lắp kính bên ngoài tòa nhà, hệ thống vách ngăn, lát sàn, cơ điện…

Ước tính, với 80% khối lượng công trình đã hoàn thiện, chủ đầu tư đã đầu tư vào đây khoảng 4.000 tỷ đồng, và để hoàn thiện phải cần thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa.

Trong lúc phải gồng gánh khoản nợ vay lên đến hàng ngàn tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, việc xoay sở thêm hơn 1.000 tỷ đồng để đưa tòa nhà vào kinh doanh ở thời điểm hiện nay rõ ràng là một bài toán khó.

Trong trường hợp, nếu chủ đầu tư bế tắc, chấp nhận bán lại toàn bộ dự án trên, chắc chắn cũng không dễ tìm được đơn vị nào dám bỏ khoảng 6.000 tỷ để mua lại.

TP nặng nợ

Câu chuyện những dự án “khủng” bị ngừng trệ, hay bỏ hoang tưởng chừng chỉ có chủ đầu tư là người thiệt thòi nhất khi hàng ngàn tỷ đồng chôn vùi theo dự án.

Thế nhưng, ở một góc độ khác, việc đất “vàng”, dự án khủng bị chậm tiến độ cũng khiến cho TP HCM nặng gánh với món nợ vay để triển khai dự án.

Đơn cử như tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP HCM), chậm tiến độ hơn 10 năm, tới thời điểm này TP mới triển khai gần xong khâu giải phóng mặt bằng.

Để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi đầu tư xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chi trả các khoản lãi vay, TP HCM đã phải bỏ ra 29.068,592 tỉ đồng.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách TP là 12.063,038 tỉ đồng, nguồn tiền khai thác quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiền thu từ bố trí quỹ nhà, đất tái định cư 4.035,008 tỉ đồng và vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng đến nay là 12.970,546 tỉ đồng.

Phó chủ tịch UBND TP – ông Nguyễn Hữu Tín từng phát biểu trong một cuôc họp mới đây rằng: TP đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc trả nợ gốc và lãi vay giai đoạn 2015 – 2016.

Cụ thể, năm 2015 trả lãi vay là 902,691 tỉ đồng, năm 2016 trả nợ gốc đến hạn là 5.241,247 tỉ đồng và lãi vay phát sinh là 828,859 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhu cầu vốn đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm trong thời gian tới là rất lớn.

Trong tình hình ngân sách TP rất hạn chế, khả năng vay vốn từ những ngân hàng lớn cũng rất khó khăn vì đã hết hạn mức, chỉ còn nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ các dự án đầu tư vào dự án để hoàn trả vốn vay, lãi vay và để đáp ứng về nhu cầu vốn đầu tư trong thời gian tới.

Vậy mà, tới nay khu đô thị Thủ Thiêm (700 ha) mới chỉ có lác đác một vài dự án được triển khai xây dựng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại