Quá khổ, đại gia Huỳnh Uy Dũng nảy ý tưởng làm lò vôi
Chưa học hết lớp 12, ông Huỳnh Uy Dũng với biệt danh quen thuộc Dũng "lò vôi" đã nhập ngũ và tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường.
Khi chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc công an thị xã Thủ Dầu Một, thấy cuộc sống quá khổ, ông phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… Cái tên Dũng “lò vôi” bắt đầu từ khi đó.
Hiện tại, ông Dũng được biết đến là một đại gia danh tiếng, sở hữu hàng loạt các dự án bất động sản "khủng" như khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, khu du lịch Đại Nam Văn Hiến,... cùng với nhiều dự án khu dân cư khác.
Người dọn chuồng lợn, bưng bia thành "Chúa đảo Tuần Châu"
Đại gia Đào Hồng Tuyển được nhiều người đánh giá là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tuy nhiên, ít ai biết được rằng, ông từng mưu sinh, quăng quật, kiếm sống bằng nhiều nghề trên khắp đất Sài Gòn.
Sinh năm 1954, ông Đào Hồng Tuyển từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, ông ở lại TP.HCM lập nghiệp.
Công việc của ông Tuyển trong những năm đầu là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu, nhiều lúc phải lang thang khắp Sài Gòn, ngủ trên vỉa hè, gara ô tô hay công viên,...
Năm 1997, dưới danh nghĩa là Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc, ông Tuyển thực hiện dự án được xem là “điên rồ” nhất vào thời đó, là đổ 80 tỷ đồng lấy đất lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu.
3 năm sau, con đường hoàn thành, 15 năm tiếp theo là thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đây, người ta cũng gọi ông là “Chúa đảo”, và trở thành một trong những người giàu có và quyền lực nhất Việt Nam.
Bỏ nghề diễn viên, nữ đại gia Lê Hồng Thủy Tiên theo chồng kinh doanh
Cuộc sống của người phụ nữ xinh đẹp Lê Hồng Thủy Tiên tưởng chừng như đang “nở hoa” sau những thành công của nghề diễn viên điện ảnh và tiếp viên hàng không ở Việt Nam Airlines.
Tuy nhiên, do mối duyên tình với một doanh nhân gốc Việt, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bà đã quyết định bỏ showbiz và ngành hàng không trong lúc vàng son, để rẽ bước vào nghiệp kinh doanh.
Hiện bà Lê Hồng Thủy Tiên đang giữ chức vụ Chủ tịch của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP Group. Đây là một tập đoàn thương mại lớn, có vốn góp tại 25 công ty tư nhân khác nhau, chuyên phân phối các thương hiệu cao cấp, nhãn hàng xa xỉ như Ferragamo, Ralph Lauren, Roex và Bulgari … và đầu tư vào các trung tâm thương mại.
Hiện tại, theo tiết lộ của nữ đại gia này, doanh thu hàng năm của công ty bà vào khoảng 500 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng. Mục tiêu trong tương lai của bà là tạo ra được doanh thu hàng năm ở mức 1 tỷ USD.
“Đầu tàu” ACB: Xuất thân từ nghề “gõ đầu trẻ”
Ít ai biết được rằng: ông Trần Mộng Hùng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB từng có thời gian là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980).
Cơ duyên với ACB của ông Hùng bắt đầu từ những năm 1990, khi ông nhìn ra cơ hội lúc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại.
Vốn có kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng cùng các bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh.
“Vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Bỏ trường y gắn với cà phê
Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là "Vua Cà phê Việt Nam".
Nhập học Khoa Y nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại từ bỏ giấc mơ làm bác sỹ để đầu tư vào ngành cà phê.
Năm 1992, ông nhập học khoa Y, Đại học Tây Nguyên. Khi đang học năm thứ ba, chợt nhận ra mình không muốn trở thành bác sĩ, ông bỏ học tìm đến với cà phê.
Ông đã bắt đầu các hoạt động tìm tòi và nghiên cứu về lĩnh vực cà phê. Từ đó cho đến nay, các hoạt động của ông đều gắn liền và xoay quanh niềm đam mê cà phê.
Nữ tướng REE Nguyễn Thị Mai Thanh: 6 năm làm lính quân y
Là con gia đình có truyền thống quân đội, bà Mai Thanh sớm gia nhập quân ngũ vào tháng 5/1968. Khi đó, bà chủ của công ty cổ phần Cơ điện Lạnh (REE) mới chỉ là cô nữ sinh 16 tuổi, với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư Đoàn 9 chiến đấu khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm sau đó, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.
Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982, bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà Thanh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, và trở thành Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc REE sau đó 10 năm.
REE dưới sự dẫn dắt của bà đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá 200 triệu USD.
Nữ tỷ phú HaNa Đặng: Từng trải qua nhiều nghề khác nhau
Được báo chí nước ngoài vinh danh là một trong những bóng hồng giàu có và quyền lực bậc nhất Việt Nam, có ai ngờ bà HaNa Đặng (tên thật là Đặng Thị Thanh Hương) từng trải qua nhiều nghề khác nhau như làm lễ tân khách sạn, giáo viên tiếng Anh trước khi thành công với vai trò một nhà quảng cáo.
Năm 1994, bà HaNa Đặng được một số công ty của Mỹ mời làm quảng cáo và bà trở thành một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên làm về lĩnh vực này với các hợp đồng quảng cáo đầu tiên cho Coca-Cola, mỹ phẩm Maybelines và sữa Nestle.
Với quyết tâm táo bạo, bà HaNa Đặng quyết định thành lập công ty riêng với việc mua lại cổ phần của GoldSun Sài Gòn với 12 người làm. Giờ đây bà HaNa Đặng đã đưa GoldSun trở thành công ty quảng cáo mạnh hàng đầu Việt Nam và đang trên đường phát triển tới một tập đoàn quảng cáo.
Cùng với những thành công của công ty, bà HaNa Đặng cò sở hữu thêm một vài công ty con khác chuyên tổ chức sự kiện, liên kết với Đan Mạch về thiết kế kiểu dáng công nghiệp và trở thành một trong ba nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam được báo Anh ca ngợi.
Đại gia tôn thép Lê Phước Vũ: "Suýt" làm giảng viên
Ông Lê Phước Vũ (hiện là Chủ tịch công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen), sau khi tốt nghiệp đại học giao thông vận tải TP.HCM được giữ lại làm giảng viên, tuy nhiên ông đã chọn cho mình một hướng đi riêng.
Năm 2001, ông thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tại Bình Dương với 30 tỷ đồng cùng số nhân viên là 22 người. Công ty chuyên về nhập khẩu, sản xuất tấm lợp kinh loại, gỗ thiếp, nhựa,...
Ngày 5/12/2008, Hoa Sen chính thức lên sàn chứng khoán với mã HSG. Vốn điều lệ ban đầu của công ty khoảng 570,4 tỷ đồng. Hiện, HSG đang lưu hành hơn 98 triệu cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa thị trường gần 1.834 tỷ đồng.
Quý tử nhà đại gia Đặng Văn Thành tự lập từ nghề bánh canh cá
Là con trai cả của gia đình đại gia Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc, nhưng trước khi trở thành Chủ tịch công ty cổ phần Địa ốc Sacomreal (SCR), ông Đặng Hồng Anh đã lập nghiệp bằng nhiều nghề khác nhau.
Năm 18 tuổi, ông Đặng Hồng Anh mở quán bánh canh cá tại trường học, rồi chuyển nghề bán cây cảnh, theo nghiệp vận động viên thành tích cao ở môn tennis, và sau đó tham gia vào việc kinh doanh của gia đình, từ mía đường, địa ốc tới ngân hàng.
Hiện tại, doanh nhân này vẫn giữ ghế Chủ tịch HĐQT công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), với mục tiêu duy trì và phát huy vị thế sẵn có trên thị trường bất động sản.
Khối tài sản trên sàn của ông Đặng Hồng Anh hiện gần 300 tỷ đồng, với 7 triệu cổ phần của ngân hàng Sài Gòn Thương Tín và gần 15 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại Sacomreal.