Mới đây, bộ Xây dựng vừa ban hành thông tư 02 hướng dẫn nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (có hiệu lực từ ngày 30-11-2013). Một trong những nội dung mới của thông tư này là quy định về cách tính giá trị phần xây dựng sai phép, không phép làm cơ sở để tính số tiền phạt mà chủ đầu tư công trình phải nộp cho Nhà nước.
Nhưng bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng lưu ý chỉ áp dụng hình thức đóng tiền phạt để tồn tại phần nhà trái phép đối với trường hợp công trình vi phạm được phát hiện khi công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hoặc khi hành vi vi phạm đã kết thúc.
Tuy nhiên, sau khi Thông tư số 02 được ban hành, đã có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến không đồng tình với quy định phạt tiền và cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép quy định tại khoản 9 Điều 13, khoản 2 Điều 70 của Nghị định số 121và hướng dẫn cụ thể tại Điều 8, Điều 11 của Thông tư số 02 với quan ngại rằng việc thực hiện quy định này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Cụ thể, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng đã không đồng tình với quan điểm cho phép được nộp phạt để các công trình xây dựng trái phép được tồn tại. “Nếu phạt cho cái sai tồn tại thì luật để làm gì?” – ông Liêm bức xúc.
Theo nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng thì quy định này được đưa ra trong hoàn cảnh bất lực thi hành pháp luật . Và không thể để tất cả các trường hợp xây dựng trái phép đều được nộp phạt, vì nếu như thế sẽ dễ dẫn đến “nhờn luật”.
Trước những ý kiến trái chiều của dư luận, Bộ Xây dựng giải thích: “Trên thực tế, Thông tư số 02/2014/TT-BXD không có quy định thêm hoặc quy định khác so với Nghị định số 121/2013/NĐ-CP về các trường hợp xây dựng sai phép, không phép được nộp tiền phạt và cho tồn tại, không cưỡng chế phá dỡ đã được quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định này”.
Theo đó, tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định: “Hành vi quy định tài Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và Điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”.
Tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định về xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều 13 Nghị định này.
“Quy định mới này nhằm để xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội, có những trường hợp đã kéo dài nhiều năm nhưng cũng chưa xử lý được triệt để. Các công trình áp dụng quy định này phải đảm bảo điều kiện không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, chứ quy định mới này không áp dụng đối với tất cả các công trình xây dựng sai phép, không phép” – Bộ Xây dựng lưu ý.
Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định số 121 và là cơ quan ban hành Thông tư số 02, Bộ Xây dựng cho biết: sẽ lắng nghe và tập hợp các ý kiến phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội, người dân, đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tiến hành rà soát các quy định có liên quan để báo cáo Chính phủ.
“Trong trường hợp xét thấy còn có các quy định chưa thực sự phù hợp, Bộ sẽ kịp thời đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02 cho phù hợp để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, cũng như tránh làm lãng phí các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư xây dựng” – Bộ Xây dựng nhấn mạnh.