Theo đó, trả lời câu hỏi của một người dân về việc “bán sân bay Phú Quốc cho tư nhân là chuyện chưa có tiền lệ. Liệu có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng?”, Bộ trưởng Thăng khẳng định:
“Đây không phải là bán sân bay Phú Quốc, mà đây là một hình thức chuyển nhượng kết cấu hạ tầng hàng không đã được quy định trong luật và các văn bản hướng dẫn”.
Do đó, theo Bộ trưởng Thăng, Nhà nước chỉ chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không thôi.
Còn quyền sở hữu hạ tầng hàng không, quyền sở hữu đất, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước không được chuyển giao cho nhà đầu tư mới.
Việc chuyển nhượng này cũng phải bảo đảm vấn đề quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt, những hạng mục kết cấu hạ tầng hàng không có liên quan, dùng chung cho mục đích dân sự và quân sự đóng vai trò quan trọng thì không chuyển nhượng.
Thực ra, trên thế giới hay trong khu vực thì họ làm lâu rồi nhưng đối với nước ta là việc mới. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép làm thí điểm.
Đối với băn khoăn của một thương nhân thường xuyên đi tuyến Hà Nội - Phú Quốc, rằng sau khi chuyển giao thì liệu tư nhân có tự ý tăng giá với các hãng hàng không để rồi các hãng lại tăng giá vé cho hành khách hay không, Bộ trưởng Thăng khẳng định:
Toàn bộ giá cả đều được Nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính quản lý, quy định khung giá dịch vụ hàng không và phi hàng không.
Do đó, nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Phú Quốc chẳng hạn, sau một thời gian nhất định phải chuyển trả lại Nhà nước.
Giá cả phải được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính chứ không được quyền nâng giá.
“Tóm lại, việc chuyển nhượng không dẫn đến độc quyền, không dẫn đến khả năng một nhà đầu tư có quyền chi phối được nâng giá cả dịch vụ hàng không cũng như phi hàng không”, Bộ trưởng Thăng nói.