Việc nhà mạng tự ý cài đặt ứng dụng, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng là có lỗi của khách hàng. Hội Bảo vệ người tiêu dùng chỉ là một tổ chức xã hội hỗ trợ khách hàng về mặt thủ tục, pháp lý với trường hợp này nếu nhà mạng không thực hiện thì Hội cũng không có cách nào. Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thừa nhận với PV điều này vào ngày 8/1/2014.
Ông Tuấn phân tích, việc này có lỗi của cả khách hàng và cả nhà cung cấp dịch vụ. Bởi lẽ, thứ nhất, giữa nhà mạng và khách hàng không có một hợp đồng thỏa thuận cùng những điều khoản quy định sử dụng dịch vụ rõ ràng. Nghĩa là giữa khách hàng và nhà mạng đã không có được một thỏa thuận công khai, minh bạch, rõ ràng.
Thứ hai, nhà mạng tự ý cài đặt dịch vụ, không cảnh báo, không niêm yết giá cước dù khách không có nhu cầu rồi tự ý trừ tiền là sai. Nhưng khách hàng cũng không có phản ứng mà gần như là chấp nhận sự việc đó diễn ra, chỉ đến khi các nhà quản lý phát hiện sự việc đó thì khách hàng mới quan tâm.
Lẽ ra khi phát hiện sai phạm, khách hàng phải có ý kiến kiến nghị tới nhà mạng. Ngoài ra còn các cơ quan quản lý nhà nước, khách hàng phải tìm hiểu vì Hội chỉ là một tổ chức xã hội chứ không phải là cơ quan nắm quyền quyết định.
Ông Tuấn cho biết, Hội đã nhận được nhiều khiếu nại đơn lẻ của các khách hàng liên quan đến việc bị dịch vụ của nhà mạng quấy rối, Hội cũng đã có những trợ giúp và đều thành công.
"Tất nhiên, nếu nhà mạng không thực hiện thì Hội cũng chịu. Lúc đó chỉ có thể đưa ra cơ quan cao hơn là phán xử của tòa. Hội cũng chỉ là tổ chức hỗ trợ khách hàng tại tòa thôi", ông Tuấn nói.
Tương tự, mạng MobiFone cũng phải hoàn lại gần 817 triệu đồng nhưng đến nay còn hơn 227 triệu đồng không thể hoàn lại vì khách hàng đã rời mạng.
Trước đó, Thanh tra Bộ TT&TT đã yêu cầu VinaPhone hoàn lại tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ với tổng số tiền gần 693 triệu đồng.
Trong trường hợp này, khách hàng khi bị trừ tiền, phải có đơn khiếu nại kèm theo chứng cứ lúc đó Hội mới có thể trợ giúp được cho khách hàng thông qua con đường thông ngôn thân thiện là yêu cầu và đề nghị nhà mạng thực hiện.
Ngoài ra, Thanh tra còn xác định rõ sai phạm của các nhà mạng, chính là những con số tại VinaPhone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỷ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo.
Ở Viettel, tình trạng này cũng tương tự khi nhà mạng cài sẵn phần mềm Viettel Plus trên sim điện thoại, bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí.
Với sai phạm này Bộ TT&TT cho biết, theo luật nhà mạng sẽ bị đình chỉ dịch vụ, tuy nhiên hiện thanh tra đang để doanh nghiệp tự khắc phục và báo cáo.
Phản ứng trước thông tin này, các luật sư đều lên tiếng cho rằng cần phải khởi tố hình sự, yêu cầu các nhà mạng hoàn trả lại số tiền này cho khách hàng. Đồng thời cũng cho biết, khách hàng có thể thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng hoặc ủy quyền cho một cá nhân đứng ra khiếu nại, yêu cầu khởi tố hành vi này.