Người Việt mê đánh bạc, uống bia, đi tàu bay...

Không chỉ mở cảng biển, sân bay tràn lan mà địa phương nào cũng xin mở casino...để phát triển kinh tế!

Dân mê đánh bạc, quan xin mở... casino?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết tại hội thảo về cải cách thể chế chiều 6/3. Lý giải nguyên nhân này, Bộ trưởng nói: “Cứ thấy tỉnh này làm cái gì thì tỉnh kia phải chạy theo, vì họ không nghĩ ra cách gì hơn để có thu nhập”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng kêu mệt vì quá nhiều nơi xin mở casino.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng chia sẻ là lỗi không hẳn tại địa phương, mà vì Luật Tổ chức hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân yêu cầu chính quyền địa phương phải lo tất cả quy hoạch làm ăn, từ thu ngân sách, chi tiêu, quản lý xã hội… như lãnh thổ riêng. Vì thế, “họ phải lo cho họ trước, chứ không phải lo cho cái chung trước”.

Vị tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cũng tâm tư, khi nhắc lại lời nói đùa về cách chia Việt Nam gồm 7 vùng, gồm Đông bắc, Tây Bắc, Hà Nội, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. “Như vậy có chạy theo nhau xin, thì cả nước cũng chỉ có 7 cảng biển, 7 sân bay, 7 casino thôi”, ông hài hước.

Cảng biển và sân bay nơi nào cũng có!

Như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chỉ ra, cảng biển và sân bay là nơi nào cũng có do nền kinh tế phong trào, thống kê cho thấy, hiện nay ở Việt Nam đang có tổng cộng 21 sân bay hoat động bay dân sự trong đó có 7 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cần Thơ), còn lại là 14 cảng hàng không nội địa.

Thông tin trên báo Giao thông Vận tải cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2020 sẽ có 26 cảng hàng không được đưa vào khai thác, sử dụng trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa.

Cảnh vắng vẻ, buồn tẻ tại sân bay quốc tế Cần Thơ
Cảnh vắng vẻ, buồn tẻ tại sân bay quốc tế Cần Thơ

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, khai thác và xây dựng trong những năm qua, hệ thống cảng hàng không, sân bay đã cơ bản thể hiện rõ tính hợp lý, phân bổ hài hòa trên toàn bộ lãnh thổ và các vùng miền.

Một số cảng hàng không chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà vận chuyển và khai thác nhưng đã đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH các vùng miền, tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế khác.

“So với các nước ở châu Á, không thể nói Việt Nam có quá nhiều sân bay” – ông Thanh khẳng định. Malaysia chỉ có 28 triệu dân, diện tích lãnh thổ tương đương như Việt Nam nhưng có tới 37 CHK đang hoạt động. Thái Lan 70 triệu dân cũng có tới 34 CHK. Philippines có số dân đông hơn VN không đáng kể (hơn 103 triệu dân) nhưng diện tích lại nhỏ hơn VN, cũng có đến 46 CHK.

Hàn Quốc là quốc gia có số lượng CHK tương đương với VN (20 CHK), tuy nhiên dân số của Hàn Quốc chỉ bằng gần nửa (50 triệu dân) và diện tích chưa bằng 1/3 diện tích VN (100.000km2), ông Thanh cung cấp các con số dẫn chứng.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các sân bay quốc tế Phú Bài (Huế), Cam Ranh (Nha Trang), Liên Khương (Đà Lạt), Phú Quốc và Cần Thơ đều ế ẩm, khả năng khai thác các chuyến bay quốc tế từ các sân bay hầu như bỏ ngỏ.

Ngay cả các chuyến bay nội địa, số lượng hành khách qua sân bay cũng chỉ mới đạt xấp xỉ 1/4 công suất thiết kế.

Trong khi đó, các sân bay khác lại đang tính tới việc nâng cấp thành sân bay quốc tế như sân bay Vinh (Nghệ An), Cát Bi (Hải Phòng).

Trong bối cảnh này, dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHKQT) cũng được các chuyên gia và dư luận đánh giá là không cần thiết "quá sớm vì không hiệu quả kinh tế" và đề nghị "trước mắt mở rộng, nâng cấp các sân bay hiện đang có như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ, Liên Khương... sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn".

Nhà máy bia mọc lên như nấm

Theo ước tính chưa đầy đủ, Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hiện đã đầu tư 24 dự án, trong đó đã có 20 dự án nhà máy đi vào hoạt động với tổng công suất hiện có hơn 1,8 tỉ lít bia.

Các hãng bia trong và ngoài nước đang ồ ạt xây dựng và mở rộng nhà máy bia khắp các tỉnh trên toàn quốc
Các hãng bia trong và ngoài nước đang ồ ạt xây dựng và mở rộng nhà máy bia khắp các tỉnh thành cả nước

Chưa hết, trong giai đoạn 2014-2015, doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư thêm ba dự án mới, với các nhà máy sẽ được mọc nhiều hơn nữa ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại khu vực phía Bắc, nếu như năm 2010 nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh giai đoạn hai chính thức được khánh thành với công suất 200 triệu lít/năm thì năm 2011 Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) tiếp tục khánh thành mới nhà máy bia Hà Nội - Thái Bình công suất 50 triệu lít/năm. Đến nay, riêng Habeco đã có cả chục nhà máy khắp miền Bắc, miền Trung như tại Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình...

Tại các địa phương khu vực này, rất nhiều nhà máy bia đua nhau mọc lên, thậm chí một số tỉnh, thành có từ hai thương hiệu bia trở lên cùng đặt nhà máy như Nghệ An, Phú Thọ, Hà Nội, Bình Dương... Đó là chưa kể những lò bia tươi được lập ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội có bia Legend, bia Việt Tiệp...

Hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) dù không được nhiều lựa chọn của người tiêu dùng như những năm trước cũng liên doanh với một số doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều nhà máy sản xuất bia. Sau một thời gian thâm nhập thị trường VN bằng con đường nhập khẩu, thương hiệu bia Budweiser (Mỹ) cũng đang trong quá trình xây dựng nhà máy và dự kiến đưa vào vận hành trong thời gian tới.

Ông Hirofumi Kishi, tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo VN, thương hiệu bia Nhật Bản, liên doanh với Tổng công ty Thuốc lá VN (Vinataba), cho biết sau khi đưa vào hoạt động giai đoạn 1 công suất 40 triệu lít/năm của nhà máy 42 triệu USD đặt tại KCN Việt Đức - Đức Hòa (Long An), hiện doanh nghiệp này chuẩn bị nâng công suất lên 100 triệu lít/năm sau khi đã chạy hết công suất thiết kế từ dịp tết vừa qua. Mặc dù thừa nhận trước mắt sẽ ưu tiên tập trung chạy hết công suất theo kế hoạch 3 giai đoạn tại Long An, nhưng ông Hirofumi Kishi cũng không giấu giếm tham vọng “sẽ triển khai sang khác địa phương khác”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại