Người tuyên bố tặng tài sản cho Ngân hàng VN tung "lời cảnh báo"

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Người sở hữu 3 tên miền liên quan tới Ngân hàng Đại chúng Việt Nam PVcombank đã từng có thiện chí hiến tặng 3 tên miền này nhưng phía ngân hàng từ chối.

Mới đây, nhiều khách hàng cho biết họ phát hiện ra tên miền có liên quan tới ngân hàng hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) với Ngân hàng Phương Tây (WesternBank), là Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (viết tắt là PVcombank) có một số vấn đề.

Theo đó, 3 tên miền khác gần tương tự với nhãn hiệu của ngân hàng này, dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng của PVcombank gồm VietnamPublicBank.com, VPComBank.com, NganHangDaiChungVietnam.com lại thuộc quyền sở hữu của một người khác chứ không phải của ngân hàng 100.000 tỉ này.

Chủ nhân của 3 tên miền gần giống với PVcombank là ông Nguyễn Trọng Khoa (cư ngụ tại Tp.HCM). Ông Khoa đã đăng ký 3 tên miền này vào hồi tháng 8/2013, đăng ký trước cả khi Ngân hàng Đại chúng Việt Nam chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2013.

Là nhà băng hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam với Ngân hàng Phương Tây, PVcombank vừa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2013.
Là nhà băng hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam với Ngân hàng Phương Tây, PVcombank vừa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2013.

Trước đó, ông Trọng Khoa đã từng gây sự chú ý của dư luận khi tạo nên vụ tranh chấp tên miền “đình đám” với hãng cà phê Trung Nguyên, sử dụng tên miền Legendeecoffee.com, để nhúng nội dung quảng cáo cho cà phê Starbucks mà trên lý thuyết, đây là thương hiệu cạnh tranh với cà phê Trung Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khoa tiết lộ: Với món "tài sản" là 3 tên miền trùng với nhãn hiệu của ngân hàng Đại chúng Việt Nam, ông đã đích thân gặp lãnh đạo của PVcombank để thể hiện thiện chí tặng lại 3 tên miền này. Tuy nhiên, sau 2 tháng không có hồi âm hay có động thái tích cực, ông Khoa đã quyết định không tặng nữa.

Ông Khoa cũng cảnh báo: Ông sẽ bán 3 tên miền này cho người nào có nhu cầu mua lại. "Nếu những tên miền này lọt tay vào người nước ngoài hoặc một đơn vị thứ 3 cạnh tranh với ngân hàng Đại chúng Việt Nam, muốn đối địch ngân hàng này thì nó sẽ rất có giá trị" - ông Khoa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về giá rao bán, ông Khoa không bật mí về con số chính xác nhưng chắc chắn nó không dừng lại ở vài tỷ đồng. Bởi "không có giá chuẩn của tên miền, nó tùy theo quy mô của thương hiệu, đây lại là một ngân hàng, tên miền là tài sản rất lớn, vì liên quan tới nhiều thứ".

Ông Khoa cũng khẳng định: Bán cho tổ chức nào đó là quyền của riêng cá nhân ông và không ai có thể cấm đoán được. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ: "Bản thân tôi, đầu tư tên miền không phục vụ cho mục đích mua và bán lại để kiếm tiền như các nhà đầu tư khác. Tôi mua nhiều tên miền để bảo vệ cho chính phủ, sau đó, tôi trực tiếp liên hệ và tặng cho chính phủ và các doanh nghiệp là chuyện bình thường đối với tôi”.

"Nguyên tắc chung khi đăng ký tên miền là đăng ký trước được quyền sử dụng trước. Tên miền ai mua trước thì thuộc quyền sở hữu của người đó. Tôi không phải là đối thủ cạnh tranh của ngân hàng Đại chúng, tôi là nhà đầu tư tên miền, tôi thấy tên miền nào hay thì mua thôi. Phía bên ngân hàng phải nhận thức được vấn đề này" - ông Khoa nói.

Vpcombank.com là 1 trong những tên miền đang gây nhầm lẫn cho khách hàng của ngân hàng PVcombank.
Vpcombank.com là 1 trong những tên miền đang gây nhầm lẫn cho khách hàng của ngân hàng PVcombank.

Có thể nói, tên miền thường được đem so sánh với bất động sản vì tên miền là những "khu vực" để xây dựng website (giống như xây nhà hay cao ốc thương mại) và những tên miền "chất lượng" cao, cũng như những bất động sản nóng, sẽ có giá trị cao, thường do tiềm năng xây dựng thương hiệu trực tuyến, dùng trong quảng cáo, tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm, và nhiều tiêu chí khác nữa.

“Ngân hàng mới khi thành lập chắc chắn phải kiểm tra tất cả các trang mạng, các tên miền có liên quan tới mình để tìm được 1 tên miền phù hợp, đồng thời, phải có những nghiên cứu để không trùng lắp với tên khác, tránh rủi ro với những đơn vị khác cùng kinh doanh trong lĩnh vực này.

Có thể những đơn vị khác đó không có ý đồ xấu nhưng trong nhiều trường hợp vẫn thường gây nhầm lẫn cho khách hàng. Chính vì vậy, ngân hàng cần khảo sát kỹ” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Đối với trường hợp có tới 3 tên miền giống với nhãn hiệu của ngân hàng Đại chúng Việt Nam, theo chuyên gia Hiếu: “Các cơ quan quản lý của ngành ngân hàng cần quan tâm tới vấn đề này. Bởi ở Mỹ không cho bất cứ một tổ chức nào khác có chữ Bank trong tên gọi của mình. Các tổ chức kinh tế khác không được phép có chữ Bank. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có quy định chặt chẽ hơn vì chữ Bank chỉ dùng cho định chế tài chính. Các công ty ngân hàng cần khảo cứu để tránh nhầm lẫn. Còn các cơ quan quản lý cần kiểm soát để tránh trường hợp trùng lắp như vậy!”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại