Mua bia nhiều hơn xuất khẩu gạo
“Trong bối cảnh nhà nước đang cần ngoại tệ để đầu tư cho phát triển kinh tế thì chúng ta lại đổ 3 tỉ USD cho việc uống bia, rượu… điều này đúng như người ta bảo: nhà nghèo mà lại xài sang. Đây một phần là lỗi trong quá trình phát triển, chưa tìm đúng hướng ưu tiên. Do đó, tăng thuế là một giải pháp kiềm chế bớt những mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích để tập trung nguồn lực cho mục tiêu phát triển” – trước thực trạng uống bia, rượu nhiều như hiện nay, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã nhấn mạnh.
Theo ông Phong, với 3 tỉ USD đó, người Việt có thể làm được rất nhiều việc cho đầu tư sản xuất, cho trường học, cho các hoạt động khác,… “Xây một nhà ở xã hội (NƠXH) chỉ mất khoảng 50 triệu đồng, như vậy 3 tỉ USD tính ra có thể mua được hàng nghìn ngôi nhà xã hội, chỉ 1 năm đủ giải quyết toàn bộ nhu cầu nhà ở xã hội cho cả nước” – ông Phong đưa ra ví dụ.
Năm 2013, trong khi người nông dân Việt Nam xuất khẩu được 6,61 triệu tấn gạo, trị giá 2,95 tỉ USD thì cả nước lại “nướng” vào bia đúng con số 3 tỉ USD, như vậy, Việt Nam đã mua bia nhiều hơn xuất khẩu gạo. Ông Phong nhận xét: “Năm 2013 chúng ta "kiếm" được 2,95 tỉ USD tiền bán gạo nhưng chúng ta lại “tiêu béng” hết vào bia. Nếu lượng tiền dùng cho bia, rượu được đầu tư cho phát triển kinh tế chắc chắn sẽ tạo ra được giá trị gia tăng tốt hơn. Việc tiêu thụ rượu, bia quá lớn phá hủy lợi ích kinh tế khi nó trở thành tệ nạn xã hội”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Với số tiền 3 tỉ USD chi cho bia, rượu, người Việt đủ mua hàng nghìn ngôi nhà ở xã hội, đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho xã hội.
Trang BBC dẫn lời của Hiệp hội sản xuất rượu whisky của Scotland (SWA) cho biết, xuất khẩu sang Việt Nam đạt gần một triệu bảng mỗi năm, và Việt Nam được coi là một thị trường mới nổi được ưu tiên cao đối với ngành công nghiệp rượu Whisky.
Một cuộc điều tra trên diện rộng của Viện Chiến lược và Chính sách y tế về tình hình lạm dụng rượu bia tại Việt Nam hồi năm 2006 cho thấy tỉ lệ sử dụng rượu bia cao nhất là ở nam giới và nhóm cán bộ nhà nước, tiếp đến là công nhân trong các doanh nghiệp, người hưu trí và nông dân. Điều đáng chú ý những người có trình độ học vấn cao có tỉ lệ sử dụng rượu bia cao nhất, tới 63%.
“Tôi đã đi hơn 50 nước trên thế giới nhưng chưa thấy nước nào uống bia, rượu tràn lan như Việt Nam. Hình như bây giờ, họ tiếp nhau, cứ phải uống rượu mới là “Xịn”. Bữa sáng rượu, bữa trưa rượu, bữa tối cũng rượu. Ở nước ngoài, họ có văn hóa uống bia, rượu rất khác mình. Thứ nhất, dân lái xe không bao giờ uống dù đối phương có cố mời như thế nào đi chăng nữa bởi luật phạt rất nặng và ý thức, trách nhiệm cộng đồng của họ rất cao.
Thứ hai, họ chỉ uống rượu vào bữa tối, nếu không bữa tối thì bữa trưa nếu là đại tiệc. Còn lại họ không thích uống tự nhiên và không bao giờ uống vào bữa sáng, tức là trong giờ làm việc. Thứ ba, họ không bao giờ ép ai uống. Anh uống cola-cola hay nước khoáng, nước ngọt, đó là quyền tự do của anh, không ai bắt ép, chuốc rượu hay khích nhau để thể hiện bản lĩnh cả” – ông Trần Quốc Hưng, hướng dẫn viên của công ty du lịch Hanoi Redtours đánh giá.
Ông Hưng cũng như nhiều chuyên gia khác đều đồng tình với quan điểm cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu và thuốc lá. Bởi lẽ, có ý kiến cho rằng: Giá bia của Việt Nam chỉ bằng 1/4 giá bia của Malaysia. Hiện Việt Nam đang đứng đầu top 5 nước có giá bia rẻ nhất thế giới: Việt Nam, Campuchia, Ukraine, Philippines và Ethiopia.
“So với nhiều nước, rượu, bia, thuốc lá của Việt Nam còn rất rẻ. Như ở Việt Nam, vài chục nghìn 1 bao thuốc nhưng như ở các nước khác phải 200.000 đồng/bao. Nên đánh thuế cao để không còn thuốc mà hút nữa hoặc người dân buộc phải hút ít đi vì tiêu tốn quá nhiều tiền” – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang khuyến khích việc tăng thuế đối với rượu, bia và thuốc lá.
Dù tăng thuế, bia nội cũng không lo “chết yểu”
Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu Euromonitor, năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương giá trị 3 tỉ USD, trở thành “quán quân” uống bia ở khu vực ASEAN và thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện Việt Nam thuộc nhóm 25 quốc gia có tốc độ gia tăng nhu cầu tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Theo dự báo của Bộ Công thương đưa ra đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 4,5 tỉ lít bia, lượng tiêu thụ trung bình mỗi người dân cũng tăng từ mức 32 lít/năm hiện tại lên 47 lít/năm. Thậm chí, các nhà đầu tư vào bia đang kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 60 đến 70 lít bia/người/năm.
Với mục đích nhằm hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước, vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có điều chỉnh thuế đối với rượu, bia và thuốc lá...
Theo đó, kể từ ngày 1-7-2015, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá sẽ được nâng lên 10-20% so với mức đang áp dụng. Trong đó, đối với rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng thuế từ 50% hiện nay lên 65%; Rượu dưới 20 độ sẽ tăng thuế từ 25% hiện nay lên 35%. Bia cũng tăng thuế từ 50% lên 65%.
Với dự thảo này, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lo lắng, nếu mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia cứ tăng vút như lộ trình đề xuất của Bộ Tài chính thì “bia nội sẽ chết yểu".
Bởi lẽ, doanh nghiệp (DN) sản xuất bia ngoại có biên độ lợi nhuận dày, thuế có đánh cao nữa họ vẫn sẽ “nhởn nhơ” thì các DN sản xuất bia trong nước với biên độ lợi nhuận mỏng, tăng thuế quá cao sẽ “dính đòn” ngay.
Tuy nhiên, phản bác lời kêu cứu này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Doanh nghiệp bia nội sẽ chẳng chết đâu! Họ cứ kêu thế thôi. Kêu vậy thì có khác gì doanh nghiệp xăng dầu kêu”.
Ông Phong nói: “Khi tăng thuế thì hầu hết doanh nghiệp nào cũng sẽ kêu dù cho doanh nghiệp đó đang lợi, đang độc quyền. Nếu bia nội muốn kêu thì phải biện luận 2 khía cạnh, cả tiêu cực và tích cực của ngành bia rượu. Trong đó, phải chứng minh được những tác dụng tích cực của ngành bia, rượu như giải quyết đầu ra, tạo công ăn việc làm, thu ngân sách, đồng thời kích thích tiêu dùng, tạo ra nguồn nhập siêu nhất định... Đưa ra các con số cụ thể, như thế mới có căn cứ để thuyết phục”.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Phong: “Chắc chắn nhà nước đã tính toán mức lãi và mức thuế để doanh nghiệp nội có thể chịu được so với bia ngoại thì mới đánh thuế chứ không phải vô cớ”.
Đứng ở góc độ khác, một chuyên gia marketing đã từng làm việc lâu năm trong các doanh nghiệp FDI nhấn mạnh: “Nếu việc tăng thuế làm hạn chế các tác hại của việc uống bia, rượu thì nên tăng, còn nếu nó chỉ nhằm mục đích tăng khoản đóng góp của ngành bia, rượu trong việc thu ngân sách Nhà nước thì nên suy nghĩ lại xem nó đã phù hợp chưa, hay đây là gánh nặng làm giảm đi một ngành kinh tế quan trọng”.
Ông Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) trước đó cũng từng cảnh báo, cần cân nhắc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia. Nếu "cực chẳng đã" phải tăng cũng cần đưa lộ trình phù hợp 3-5 năm, sau khi ban hành nên giữ ổn định trong vòng 5 năm.