Ngày 6/9, Tập đoàn Nam Cường đã đề nghị với UBND TP. Hà Nội xin trả lại dự án KĐT Quốc Oai với lý do: không phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Theo lãnh đạo Tập đoàn thì KĐT Quốc Oai được Tập đoàn Nam Cường nhận làm chủ đầu tư nhưng sau khi xem xét thấy rằng KĐT này thuộc quy hoạch vành đai xanh của Thủ đô trong tương lai nên không phù hợp để phát triển đô thị.
Trước đó, Tập đoàn Nam Cường cũng đã trả lại dự án KĐT Thạch Thất cho UBND TP. Hà Nội cũng với lý do dự án không còn phù hợp với quy hoạch mới của Thủ đô.
Trong khi đó, lại có doanh nghiệp chậm trễ về tiến độ nhưng vẫn không muốn trả dự án cho Thành phố. Điển hình có thể kể đến dự án Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai) do Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HANHUD) làm chủ đầu tư.
Với quy mô gần 24ha, dự án cam kết thực hiện từ năm 2002 đến 2007, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 3.426 m2 chưa giải phóng mặt bằng. Nhiều công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án chưa được các chủ đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng.
Hay tại một số dự án khác của chủ đầu tư này như Khu nhà ở Bắc Đại Kim - Định Công mở rộng, mặc dù tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý 4/2003 đến quý 1/2005, song dự án mới giải phóng được 8% tổng diện tích đất (tương đương với 8.769 m2); dự án khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) với quy mô 19,8ha, cũng chỉ có 1/8 khối nhà cao tầng và 141/174 căn nhà ở thấp tầng được triển khai xây dựng. Do đó, hạ tầng xã hội và các công trình công cộng cũng chưa được đầu tư xây dựng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng chỉ hoàn thành trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng.
Thực tế là thế, nhưng trao đổi với báo chí, chủ dự án lại không có ý định trả dự án cho Thành phố mà sẽ đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Một trong số khó khăn mà chủ dự án đang đối mặt tại dự án Bắc Đại Kim - Định Công đó là dự án này có tới 8 doanh nghiệp thứ phát cùng làm. Vì thế, kinh phí đền bù và thực hiện dự án phụ thuộc vào các nhà đầu tư thứ phát. Theo một lãnh đạo HANHUD thì do thị trường đóng băng, các đơn vị thứ phát cũng đang gặp khó khăn lớn về nguồn lực để có thể tiếp tục góp vốn.
Ngoài ra, khu đô thị mới Nam An Khánh do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) làm chủ đầu tư với quy mô diện tích tới 189,7 ha), cũng đang “báo động” về tiến độ thực hiện. Sau 9 năm triển khai mới san nền được một phần, hạng mục hạ tầng kỹ thuật cũng mới thực hiện được khoảng 60% khối lượng công việc, chưa có công trình công cộng hay trường học nào được đầu tư xây dựng.
Theo một lãnh đạo của Sudico thì trong bối cảnh thị trường khó khăn, doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cho phù hợp. Việc triển khai Dự án thời gian tới sẽ chỉ làm theo từng phần là hạ tầng và làm móng rồi mở bán, còn tiến độ xây dựng tiếp theo ra sao phụ thuộc vào khách hàng.
Trước đó, có một số dự án thuộc diện bị bỏ hoang hóa, chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội:
Hành trình từ khi xây dựng dự án đến lúc có được giấy phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, chủ dự án phải hao tổn chi phí và công sức khó đong đếm. Chủ đầu tư phải trải qua nhiều bước như xin phê duyệt dự án, lên phương án đền bù, nộp tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng…
Vì thế, câu chuyện trả lại dự án đặc biệt ở những khu đất còn tiềm năng, le lói hy vọng chờ đợi thị trường phục hồi sẽ là không nhiều bởi nhiều lẽ, trong đó khó nhất là chủ đầu tư khó có thể thu hồi lại chi phí ban đầu, nhất là những chi phí “không tên”. Vì vậy, việc thu hồi hay để chủ đầu tư tiếp tục ôm đất giữ chỗ phụ thuộc và sự kiên quyết của chính quyền đóng vai trò quyết định.